Giải báo chí vinh danh những cây bút viết về sự nghiệp trồng người

14:42 | 09/11/2022;
Sáng nay (9/11), Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2022” do Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là lần thứ 5 Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có các tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Ban Tổ chức giải cho biết đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự của 4 loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Kết quả chọn được 80 tác phẩm vào chung khảo. Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 01 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 28 giải Khuyến khích và 02 nhân vật tiêu biểu trong 2 tác phẩm đoạt giải.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2022” - sân chơi bổ ích cho các nhà báo trẻ - Ảnh 1.

Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyến TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giải Đặc biệt

Giải đặc biệt thuộc về: Tác phẩm truyền hình "Học sinh miền Nam - một thời để nhớ" do nhóm tác giả: Võ Thị Ánh Tuyết, Bùi Đình Dương, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Doãn Lưu, Nguyễn Trần Dũng, Lê Bật Hiệu, Nguyễn Trần Kim Tiền thuộc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2022” - sân chơi bổ ích cho các nhà báo trẻ - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm (thứ ba từ trái) và ông Rick Benett - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (thứ hai từ phải) trao giải cho các tác giả đạt giải Nhất.

4 giải nhất gồm có: Tác phẩm báo in "Học sử để thêm yêu Lịch sử nước nhà" do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thu Hoài thuộc Báo Đại Đoàn Kết thực hiện; tác phẩm báo điện tử: "Xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn lớp 10: Hài hòa lợi ích" do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Nhung, Hà Ánh Ngọc, Hoàng Công Chương, Trương Trường Tiến, Nguyễn Quốc Ngữ, Ngô Sỹ Điền thuộc Báo Giáo dục và Thời đại thực hiện; tác phẩm phát thanh: Loạt bài "Tự chủ Đại học: Gánh nặng tăng học phí" do tác giả Lê Thu thuộc Ban Thời sự (VOV1) - Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện; tác phẩm truyền hình: "Người gieo chữ kiên cường" do nhóm tác giả: Nguyễn Văn Ba, Trương Tuấn Nghĩa, Nguyễn Trung Toàn, Nguyễn Minh Ngọc, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Hoài Hương, Nguyễn Việt Anh thuộc Ban Khoa giáo (VTV2) - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

02 nhân vật tiêu biểu: Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - nhân vật trong tác phẩm truyền hình "Chuyện "Vỹ khùng"" của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam và em Hoàng Thị Mũ - nhân vật trong tác phẩm phát thanh "Không gục ngã" của Ban Dân tộc (VOV4) - Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trao đổi bên lề Lễ trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2020", Nguyễn Thị Thùy Linh, phóng viên Báo Lao động, một tác giả trẻ trong Nhóm tác giả đoạt giải Khuyến khích của Báo Lao động điện tử với tác phẩm: "Chạm tay tới giấc mơ xuất khẩu giáo dục" cho biết: Cá nhân Linh tham gia Giải báo chí toàn quốc về giáo dục 3 lần. 2 năm trước, Linh và các anh chị đồng nghiệp của Báo Lao động đều đoạt giải A. Năm ngoái là cả giải A và giải Đặc biệt. Đối với Linh đây là một giải báo chí rất thú vị, là sân chơi bổ ích để những nhà báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ quan tâm đến giáo dục tham gia. Đề tài xuất khẩu giáo dục năm nay của nhóm Linh được đánh giá là khá mới.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2022” - sân chơi bổ ích cho các nhà báo trẻ - Ảnh 3.

Phóng viên Nguyễn Thị Thùy Linh là một trong các tác giả của Báo Lao động điện tử đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm: "Chạm tay tới giấc mơ xuất khẩu giáo dục"

Bởi lẽ trong suy nghĩ của mọi người thì chỉ có học sinh Việt Nam ra nước ngoài du học, còn học sinh nước ngoài đến Việt Nam học tập chủ yếu là đi theo diện liên kết. Nhưng trong quá trình đi thực tế, nhóm tác giả đã phát hiện ra rằng có nhiều trường ở Việt Nam có các chương trình thu hút học sinh nước ngoài đến học tập. Điển hình như các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Đại học Quốc tế Hồng Bàng... Các sinh viên nước ngoài khi được hỏi đều nói rằng họ rất hứng thú với chương trình học tập ở Việt Nam. Họ đến để giao lưu, học hỏi về văn hóa, về đất nước, con người Việt Nam, học tiếng Việt. Có nhiều bạn đến từ các nước phát triển như: Canada, Hàn Quốc, Pháp...

Điều quan trọng là họ đã tự bỏ tiền túi để đến Việt Nam học tập. Ngoài chương trình học thì học phí rẻ, chi phí, điều kiện ăn ở khá tốt cũng là một lợi thế để Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục. Hy vọng khi đại dịch Covid qua đi, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn việc thu ngoại tệ thông qua việc thu hút ngày càng nhiều sinh viên quốc tế đến du học.

"Nhóm sẽ cố gắng tìm hiểu sâu thêm về đề tài này để góp phần đưa Việt Nam có tên tuổi trên bản đồ giáo dục thế giới. Còn về kinh nghiệm để đạt giải, em nghĩ mình phải thực sự hiểu vấn đề mình đang triển khai và đề tài đó tác động thế nào đến cộng đồng xã hội" - Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết thêm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn