Cậu bé David Zelu mới 16 tuổi nhưng đã là 1 trong 7 vệ sĩ của văn phòng sĩ quan trực thuộc quân nổi dậy miền Nam Sudan. "Cuộc sống trong vùng chiến sự thật khó khăn. Thật buồn khi phải mất đi những người thân nhưng chúng em có thể làm gì đây? Nếu không cầm súng, chúng em sẽ chẳng thể sống sót", Zelu buồn bã nói.
Còn Christopher, một cựu lính trẻ em, nhớ lại mình bị bắt vào trại lính khi chỉ mới 10 tuổi. Mẹ cậu đã đến xin tên thủ lĩnh trả cậu về nhà nhưng bọn chúng đã trao súng vào tay cậu để yêu cầu giết chính mẹ mình. "Khi bà ấy đến, chúng bắt tôi giết chính mẹ mình hoặc tôi sẽ bị giết. Tôi chẳng có lựa chọn nào khác, tôi đã cầu Chúa tha thứ cho mình", Christopher nói với giọng đầy run rẩy. May mắn thay, khẩu súng bị kẹt và người mẹ đã nhanh chân chạy thoát. Giờ đây khi cậu được đoàn tụ với gia đình, cha mẹ của Christopher đã tha thứ cho con.
Câu chuyện về lính trẻ em là những điều đáng buồn khi các cuộc xung đột liên miên diễn ra ở Sudan, Congo, Somalia... Trẻ em chẳng có nhiều lựa chọn khi không có trường học, không đủ ăn và chẳng thể sống sót nếu không cầm súng đầu quân. Có thể thấy, chiến tranh và xung đột vũ trang trên thế giới luôn là mối đe dọa trực tiếp đối với cuộc sống, tương lai của nhiều trẻ em. Với các chính phủ và tổ chức quốc tế, công tác bảo hộ trẻ em trong xung đột vũ trang vốn gặp nhiều khó khăn, giờ đây lại thêm nhiều thách thức mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres mới đây đã gửi báo cáo tới Hội đồng Bảo an LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang. Báo cáo bao gồm các nội dung trẻ em bị sát hại, hành hạ và lạm dụng tình dục, bắt cóc hoặc tuyển dụng làm binh lính, từ chối tiếp cận viện trợ và tấn công vào các trường học và bệnh viện. Báo cáo xác nhận, các vụ xâm hại đã xảy ra đối với 19.379 trẻ em trong 21 cuộc xung đột. Các trường hợp vi phạm xảy nhiều nhất trong năm 2020 ở Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Syria và Yemen... Theo đó, có tới 8.521 trẻ em đã bị tuyển dụng làm binh lính trong năm 2020 tham gia các cuộc chiến tại hơn 20 quốc gia trên toàn cầu. 2.674 trẻ đã thiệt mạng và 5.748 trẻ bị thương trong các cuộc xung đột khác nhau.
Khoảng 2 triệu trẻ em cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực bùng phát tại Cộng hòa Trung Phi từ tháng 12/2012, trong đó 1,2 triệu trẻ em đang cần cứu trợ khẩn cấp. Bạo lực đã tàn phá Cộng hòa Trung Phi và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của trẻ em ở đây. Gần 370.000 trẻ em phải tị nạn trong bối cảnh bạo lực đang diễn ra. Tuyển dụng và sử dụng lính trẻ em trong các nhóm vũ trang vẫn là hành vi vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng thường xuyên nhất ở Trung Phi: Có 584 trong tổng số 792 trường hợp vi được ghi nhận vào năm 2020. Việc tuyển dụng lính trẻ em vẫn tiếp tục trong 5 tháng đầu năm 2021.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) dẫn lời chính quyền địa phương cho biết tại Burkina Faso đã diễn ra vụ thảm sát do các binh sĩ trẻ em từ 12-14 tuổi thực hiện, khiến hơn 100 người thiệt mạng vào tháng 6 vừa qua. UNICEF lên án mạnh mẽ các nhóm vũ trang tuyển dụng trẻ em và thanh thiếu niên, gọi những hành động như vậy là "vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản". Sau vụ tấn công ở làng Solhan thuộc vùng Sahel, UNICEF đã điều động viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ chính phủ và chính quyền địa phương. Đặc biệt, UNICEF đã cung cấp nước, thực phẩm, chỗ ở và những thứ cần thiết cho 13 000 người phải rời bỏ nhà cửa. Theo UNICEF, hiện có hơn 1,2 triệu người phải di dời, trong đó có 61% trẻ em.
Theo thống kê của LHQ, khoảng 250 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có chiến tranh. Xung đột kéo dài đang khiến trẻ em đối mặt nhiều nguy cơ hơn như: Bệnh tật, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tâm lý..., từ đó không thể phát triển bình thường. 1 triệu trẻ em ở khu vực Gaza đang gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột mà không có nơi ở an toàn. 68 trẻ em Gaza đã thiệt mạng trong cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas (Palestine), 444 trẻ khác bị thương. Ước tính có khoảng 250.000 trẻ em cần được bảo vệ và hỗ trợ về sức khỏe tâm thần.
Cuộc xung đột kéo dài 12 năm tại Đông Bắc Nigeria đã khiến 324.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng. LHQ cảnh báo nếu tình hình bạo lực tiếp diễn thêm 10 năm nữa, số trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng sẽ tăng lên hơn 1,1 triệu trẻ.
Khu vực Đông Bắc Nigeria là địa bàn hoạt động của phiến quân Boko Haram, nhóm từ năm 2009 đã nổi dậy thực hiện các vụ bạo lực đẫm máu. Mới đây, cộng đồng quốc tế quyết liệt lên án các vụ bắt cóc trẻ em nghiêm trọng xảy ra liên tiếp nhắm vào các trường học từ nhóm Boko Haram ở Nigeria và tội phạm có tổ chức đang hoạt động tại châu Phi.
Hồi tháng 2 vừa qua, một nhóm vũ trang đã bắt cóc 317 nữ sinh trong đêm, từ một trường trung học ở bang Zamfara, Tây Bắc Nigeria. Trước đó cũng tại Nigeria, một nhóm vũ trang khác bắt 42 người, gồm 27 trẻ em từ một ngôi trường nội trú ở bang Niger miền Trung nước này. Phần lớn các vụ bắt cóc nhắm vào học sinh được thực hiện vì mục đích đòi tiền chuộc. Thực trạng này khiến các bậc cha mẹ không muốn cho con đến trường và giáo viên không dám dạy học.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ lên án mạnh mẽ các vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em trong xung đột, đặc biệt là hành vi giết hại, gây thương tật, lạm dụng, bắt đi lính và sử dụng trẻ em trong các lực lượng vũ trang, cản trở trẻ em tiếp cận hỗ trợ nhân đạo và y tế, tấn công vào trường học và các cơ sở y tế.
LHQ kêu gọi các bên trong xung đột tuân thủ luật pháp quốc tế và củng cố các cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em thông qua các khuôn khổ như Công ước Quyền trẻ em và Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, giúp trẻ em từng tham gia lực lượng vũ trang tái hòa nhập vào cuộc sống, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục. Đồng thời, để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, cần bảo đảm giáo dục và tăng cường trao quyền cho trẻ em, qua đó sẽ giúp các em nuôi dưỡng và thúc đẩy văn hóa hòa bình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn