Giải đáp những lo lắng của cha mẹ khi bé lần đầu đi mẫu giáo

20:58 | 24/08/2018;
Bé lần đầu đi học mẫu giáo thường khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Liệu bé có thể thích nghi với việc đi học? Ở tuổi nào thì nên cho trẻ đi mẫu giáo? Làm sao giúp trẻ trải qua những khó khăn để hòa nhập môi trường mới?
mau-giao.jpg
Cha mẹ thường lo lắng khi thấy con khóc lần đầu đi mẫu giáo. Ảnh minh họa

 

Theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), nghiên cứu về tâm lý đến trường ở trẻ nhỏ đã có những đóng góp khẳng định vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ trong môi trường lớn hơn gia đình, mà ở đây là trường lớp. Chính vì vậy, việc cho trẻ đi học là cần thiết. Tuy nhiên, khi bé lần đầu đến trường khiến cha mẹ vô cùng lo lắng, băn khoăn và thường có những hiểu lầm sau:

 

1. Cha mẹ thường lo lắng: Trẻ sẽ khóc nhiều khi mới đến lớp, để trẻ nghỉ vài ngày để trẻ quen rồi cho đi lớp lại hoặc nghỉ 1 năm cho trẻ lớn hơn thì sẽ đi lớp lại.


Bác sĩ Anh Nguyễn cho biết, suy nghĩ này chưa đúng. Dù có lùi 1 ngày, vài tuần hay 1 năm thì khi trẻ đến lớp lần đầu đều phải trải qua giai đoạn "áp lực" này. Lùi thời gian không mang ý nghĩa giải quyết câu trả lời, mà cha mẹ nên tiến lên và bước đi. Dù sớm hay muộn thì cha mẹ cũng phải để trẻ trải qua nó như 1 sự cần thiết cho sự phát triển. Nên làm sớm để trẻ nhận được những lợi ích như đã đề cập ở trên.

 

2. Nên gửi bé đến trường hay để bé ở nhà với ông bà?

 

Bác sĩ Anh Nguyễn cho biết, không có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi này. Tuy nhiên, ông có vài gợi ý để cha mẹ tự chọn:

 

Ông bà chăm: Môi trường luôn ưu ái cho trẻ, điều này trẻ không học được cách chấp nhận 1 môi trường thử thách, như có sự chia sẻ sự yêu thương với các bạn khác như khi ở lớp. Ông bà có thể không có những kỹ năng giáo dục để giúp trẻ tương tác, hoạt động tư duy và phát triển tính xây dựng (điều mà đứa trẻ sẽ cần, độ tuổi càng nhỏ càng cần xây dựng những kỹ năng này).

 

Đến lớp thầy cô chăm: Môi trường luôn có tính thử thách cho trẻ, mặc dù ở đó trẻ không hẳn được chấp nhận mọi thứ, nhưng trẻ có quyền để cố gắng đạt sự chấp nhận từ thầy cô và bạn bè. Thầy cô sẽ được đào tạo những kỹ năng sư phạm để giúp trẻ tham gia vào hoạt động.

mau-giao-2.jpg
Môi trường ở lớp luôn có tính thử thách cho trẻ. Ảnh minh họa

 

3. Trẻ cảm thấy buồn bã, ít nói, ăn uống không ngon sau những ngày đi học. Điều này gây stress làm bé trở nên tự kỉ.

 

Bác sĩ Anh Nguyễn cho biết, trẻ con cần có 1 áp lực tích cực, áp lực này có thể đến từ "nỗi lo chia cắt ", gọi tắt là SA. Cha mẹ cần hiểu: mọi đứa trẻ đều trải qua SA như 1 phần trong sự phát triển tâm lý bình thường của bé. Dĩ nhiên, sau khi đi học, tối về bé khó ngủ hay ít nói là những biểu hiện bình thường của SA. Để giúp bé phát triển qua SA và hạn chế trẻ có thể "quá lo lắng" (SAD), cha mẹ có thể hỗ trợ bé bằng một số cách sau:
 
- Đừng xoáy sâu vào nỗi lo lắng của bé. Ví dụ, khi bé đi học về, nếu bé buồn và ít nói, cha mẹ có thể bắt chuyện với bé bằng cách hỏi thăm về món đồ chơi bé chơi lúc ở lớp, đừng hỏi về cô giáo hay bạn bè của bé vì giai đoạn đầu SA nguồn lo lắng chính của bé là "chưa quen cô giáo hay bạn bè", mà bé chỉ quen được với đồ chơi thôi. Dĩ nhiên, cha mẹ nên hỏi cô giáo của bé trước để biết bé thường chơi món đồ gì trên lớp.
mau-giao-4.jpg
Hãy để bé yên tâm là cha mẹ sẽ quay trở lại đón bé. Ảnh minh họa
Hãy để bé biết là cha mẹ sẽ quay lại đón bé. Nỗi lo lắng của SA là nằm ở việc bé không biết khi nào cha mẹ quay lại. Cha mẹ hãy dẫn bé đến trường, hôn và chào tạm biệt bé 1 lần (đừng làm nhiều lần). Cha mẹ quay sang nói với cô giáo "Chị sẽ đón bé sau 3 tiếng nữa nhé!" Rồi bạn quay xuống bảo bé " mẹ sẽ đón con sau 3 tiếng nữa nhé". Điều này bé sẽ tự điều chỉnh là "mẹ đã xác nhận quay lại". Lưu ý là cha mẹ phải quay lại đúng số giờ bạn hứa. Nếu bé đi học nguyên ngày thì bạn không nên nói giờ, chỉ nói buổi. VD: Chiều mẹ đón con, đón sớm nhất nhé! (Nhớ là bạn nên đến sớm nhất, trước khi bé ra khỏi lớp. Điều này rất quan trọng cho ít nhất 4 tuần đầu tiên đi học của bé.
 
- Khi bé 10-13 tháng, nếu bé chưa đi học, cha mẹ có thể thường xuyên chơi trò "trốn tìm" với bé để bé quen sự vắng mặt và quay lại của cha mẹ. Trò chơi đơn giản từ việc : dùng 1 tấm khăn bịt mắt, sau đó mở khăn không thấy cha mẹ đâu. Cha mẹ đếm đến 10 rồi xuất hiện trở lại. Bé tham gia trò này sẽ rất vui và dần quen việc vắng mặt và có quay lại của cha mẹ. Nếu bé đã đi học, cha mẹ vẫn có thể cho bé chơi trò này, nhưng bằng cách khác: Dẫn bé ra công viên, chơi trốn tìm đằng sau những vật dụng, để bé đi tìm. Nhớ là phải tạo điều kiện cho bé tìm thấy, không nên trốn mà bé khó tìm thấy thì sẽ không thành công

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn