Giải đáp thắc mắc trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi?

09:00 | 15/09/2020;
Sữa có nhiều dưỡng chất giúp trẻ phát triển nhưng nếu uống không đúng cách và sai thời điểm, sữa tươi có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Vậy trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi?

Sữa tươi có mùi vị hấp dẫn và chứa nhiều dưỡng chất giúp cho sự phát triển chiều cao và tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ. Tuy nhiên, nếu uống không đúng cách, không đúng liều lượng và thời điểm sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến trẻ.

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của mẹ về việc trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi.

1. Tác dụng của sữa tươi

Sữa tươi ở dạng nước là các loại sữa có nguồn gốc động vật như bò, cừu, dê. Loại sữa này sau khi được vắt thì được sơ chế qua rồi bảo quản lạnh trước khi sử dụng. Ngoài ra còn có sữa nguyên kem được diệt khuẩn, không bỏ thêm chất phụ gia hay bảo quản rồi được đóng gói và tiêu thụ trên thị trường.

Những loại sữa này đều được thanh trùng hay tiệt trùng ở nhiệt độ cao trong một thời gian ngắn. Việc thanh trùng, tiệt trùng này giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn nhưng vẫn đảm bảo được hàm lượng dinh dưỡng. Do không chứa chất phụ gia cũng như chất bảo quản nên chúng khá an toàn với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ.

Giải đáp thắc mắc trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi? - Ảnh 1.

Sữa tươi có tác dụng tốt đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ (Ảnh: Internet)

Tác dụng của sữa tươi đối với trẻ nhỏ là phát triển chiều cao do chúng chứa lượng canxi tự nhiên dồi dào. Sử dụng đủ lượng sữa có thể giúp xương của trẻ chắc khỏe hơn. Bên cạnh đó, sữa tươi còn giúp trẻ tăng cường thể lực do hàm lượng chất đạm cao trong sữa. Chúng giúp trẻ củng cố cơ bắp, gia tăng khả năng vận động và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. đồng thời nồng độ vitamin D trong máu cũng cao hơn.

2. Trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi?

Tuy tác dụng của sữa rất tốt đối với trẻ nhỏ, nhưng liệu mẹ có biết trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi? Các nhà khoa học đã nghiên cứu để chứng minh rằng trẻ trên 1 tuổi mới nên dùng sữa tươi để bổ sung. Trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên bú sữa mẹ hoặc dùng sữa công thức.

Để lý giải cho điều này, các chuyên gia nói rằng do sữa tươi có hàm lượng canxi, đạm và phopho cao. Trẻ quá nhỏ khi uống sữa tươi sẽ dễ bị quá tải thận. Sử dụng lâu dài có thể khiến trẻ mắc các bệnh như cao huyết áp, béo phì khi trưởng thành.

Bên cạnh đó, lượng đạm cao có thể gây các tình trạng chướng bụng, khó tiêu, làm trẻ chán ăn. Trẻ dưới 1 tuổi sử dụng sữa tươi như thực phẩm chính có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi lượng cần thiết do trong sữa tươi có ít sắt, nghèo vi lượng.

3. Trẻ nên uống bao nhiêu sữa tươi một ngày?

Với trẻ dưới 1 tuổi thì không nên cho uống sữa tươi. Tuy nhiên nếu trẻ đã trên 1 tuổi, các bậc phụ huynh có thể bổ sung sữa vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ như sau:

- Trẻ trên 1 tuổi nên uống ít sữa tươi, chỉ nên bổ sung khoảng 100-150ml sữa tươi mỗi ngày.

- Trẻ trên 2 tuổi nên được bổ sung 200 - 300ml sữa tươi mỗi ngày. Nên xen kẽ giữa sữa công thức và sữa tươi để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ.

- Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể uống 300-500ml sữa tươi mỗi ngày vì trẻ đã có khả năng tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất tốt hơn.

- Trẻ ở lứa tuổi thiếu niên có thể sử dụng sữa tươi thay sữa bột sao cho tổng lượng sữa từ 500 đến 700ml mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất.

Giải đáp thắc mắc trẻ mấy tuổi uống được sữa tươi? - Ảnh 3.

Trẻ nên uống sữa theo liều lượng phù hợp với lứa tuổi (Ảnh: Internet)

Lưu ý rằng liều lượng tiêu thụ sữa mỗi ngày rất quan trọng. Uống quá nhiều sữa mỗi ngày trẻ sẽ dễ béo phì hoặc không được rèn luyện thói quen nhai. Bên cạnh đó, thời điểm uống sữa cũng đóng vai trò quan trọng. Không nên uống sữa trước bữa ăn chính 2 giờ vì có thể làm trẻ no và lười ăn khi vào bữa chính.

4. Lựa chọn loại sữa phù hợp

Với trẻ dưới 2 tuổi, mẹ nên chọn sữa nguyên kem cho bé. Không nên chọn sữa tách béo trừ phi có chỉ định của bác sĩ vì chất béo rất cần thiết với sự phát triển của não bộ trẻ. Nếu trẻ bị thừa cân mới dùng sữa tách béo một phần hoặc sữa tách béo toàn phần.

Lượng đường hấp thu vào cơ thể cũng cần dưới 20g mỗi ngày. Nếu trẻ đã đủ cân nặng thì mẹ có thể chọn lựa sữa không đường. Nếu uống sữa có đường nên giảm lượng đường đưa vào từ những thực phẩm khác. Đồng thời mẹ cũng nhớ cho bé súc miệng sau khi uống sữa để tránh bị sâu răng.

Mẹ nên lưu ý chỉ cho bé uống sữa thanh trùng hoặc tiệt trùng để đảm bảo an toàn vệ sinh. Không nên sử dụng sữa bò vắt trực tiếp vì có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cao.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn