Do được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nhiều rau, củ, quả phong phú và đa dạng. Nếu như chúng ta biết nhiều tới tác dụng của rau, củ lá xanh thì các loại thực phẩm màu tím lại ít được nhắc tới.
Bác sĩ CKI Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM Cơ sở 3, cho hay anthocyanidin là hợp chất tạo nên màu tím đặc trưng cho các lại củ, quả, rau có màu tím. Đây là chất chống oxy hóa rất mạnh nên có khả năng ngăn ngừa ung thư, thải độc, trẻ hoá tế bào, giảm cholesterol xấu, kháng viêm, tăng cường miễn dịch…
Tác dụng của các loại rau, củ màu tím mang lại cho sức khoẻ con người là rất lớn. Dưới đây, bác sĩ Thuỷ sẽ giải mã những dưỡng chất có trong các thực phẩm màu tím.
Theo bác sĩ Như Thủy, khoai lang tím là loại củ gần gũi với tất cả mọi người và rất dễ dàng mua tại chợ, siêu thị. Khoai lang tím rất giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin C, Ca, Mg và nhiều chất chống oxy hóa.
Trong vỏ khoai lang tím có nhiều anthocyanin (hợp chất tạo ra màu tím đặc trưng). Hợp chất anthocyanin được chứng minh là chất chống oxy hoá mạnh, tác dụng trẻ hoá tế bào, ngăn ngừa việc xuất hiện tế bào bất thường (ung thư). Chất oxy hoá này còn ngăn chặn sự tích tụ các độc tố bất lợi, tăng cường trí nhớ.
Khoai lang tím, ảnh minh hoạ.
Dù khoai lang tím tốt cho sức khoẻ nhưng bác sĩ Thuỷ khuyên không nên ăn quá nhiều vì sẽ bị đầy bụng và ợ hơi. Thêm vào đó, mọi người nên hạn chế ăn khoai vào lúc đói vì dễ kích thích bài tiết axit dạ dày, dẫn đến cảm giác khó chịu ở bụng, trào ngược axit.
Trong các thực phẩm màu tím tốt cho sức khoẻ không thể không kể tới cà tím. Đây là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong thịt quả cà tím chứa nhiều các loại vitamin như A, C, các vitamin nhóm B. Cà tím có nhiều chất vi lượng như K, Mg, Fe, Zn, Ca, Mn.
"Cà tím rất giàu chất xơ thực vật giúp cải thiện tình trạng táo bón, ngăn ngừa hình thành chất béo trong cơ thể, làm tăng cảm giác no, giảm sự thèm ăn, giúp hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng. Lớp vỏ màu tím có chứa nhiều vitamin B, C và lượng lớn anthocyanidin", bác sĩ Thuỷ chia sẻ.
Không chỉ giàu dinh dưỡng, trong Đông y cà tím còn là thuốc chữa bệnh có tác dụng mát gan, lợi mật, nhuận tràng. Cà tím thường được khuyên dùng cho người bị nhiệt, khô đắng miệng, hoặc táo bón. Tuy nhiên người thể trạng hư nhược, các bệnh thuộc hàn chứng, trẻ nhỏ thì nên hạn chế ăn cà tím.
Cà tím, ảnh minh hoạ.
Bác sĩ Thuỷ lưu ý khi ăn cà tím, chỉ nên ăn 200gram/lần, 2-3 bữa/tuần vì trong cà tím có chứa solanine là một chất vị đắng và có độc với cơ thể. Ngoài ra cà tím còn chứa một lượng nicotine cao hơn bất kỳ loại trái nào khác. Do vậy, khi sử dụng cà tím nên ngâm cà tím với một ít giấm hoặc muối trước khi chế biến để làm giảm hoạt tính của solanine và nicotine.
Để ăn cà tím giữ được trọn vẹn các dưỡng chất, bác sĩ Thuỷ khuyên nên ăn cà tím cả vỏ. Khi chế biến cà tím không nên để nhiệt độ quá cao hoặc chiên với nhiều dầu sẽ làm giảm 50% giá trị dinh dưỡng của cà tím.
Bác sĩ Thủy cho biết bắp cải là loại rau có chứa nhiều vitamin A, C và E. Riêng bắp cải tím có lượng vitamin C nhiều gấp đôi và vitamin A gấp 10 lần so với các loại bắp cải xanh.
Bắp cải cải tím, ảnh minh hoạ.
Theo đó, vitamin A, C và các chất chống oxy hóa trong bắp cải tím giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương gây ra bởi gốc tự do, bảo vệ các tế bào não, phòng suy giảm trí nhớ, chống lão hóa, ngăn ngừa tàn nhang, giúp da đàn hồi và mềm mại hơn.
Vitamin K có trong bắp cải tím giúp xương chắc khỏe hơn, thúc đẩy liền xương cũng như duy trì mật độ canxi trong xương, ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương.
Vitamin A có trong bắp cải tím tốt cho mắt, cải thiện thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giảm thiểu nguy cơ hình thành đục thủy tinh thể.
"Trong bắp cải tím có chứa sulforaphane tác dụng chống viêm, giảm đau, hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng của viêm khớp. Bắp cải tím giúp kiểm soát và duy trì cân nặng bởi loại rau này ít calo, nhiều vitamin và khoáng chất. Lượng chất xơ dồi dào trong rau bắp cải tím giúp tạo cảm giác no lâu và tốt cho đường ruột và hệ tiêu hóa. Đối với bắp cải tím có thể ăn sống hoặc chế biến bằng luộc, hấp, xào, làm salad", bác sĩ Thuỷ nói.
Theo bác sĩ Thủy đối với rau bắp cải tím nên ưu tiên ăn sống để giữ lại các chất dinh dưỡng. Hạn chế chế biến rau ở nhiệt độ quá cao bởi điều này dễ làm mất chất dinh dưỡng và làm mất đi vị ngọt tự nhiên của bắp cải tím.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn