Chỉ 1 đêm hơn 1.700 người thiệt mạng
Theo History, vụ phun trào khí độc từ hồ Nyos ở Cameroon đã giết chết gần hết người dân và động vật của 4 ngôi làng quanh hồ vào lúc 9g 30 tối 21/8/1996. Sau vụ phun trào, không khí quanh hồ bị ô nhiễm nặng khí CO2 (carbon dioxide). Hồ Nyos và Monoun đều là những hồ núi lửa, rộng khoảng 1 dặm vuông (tương đương 2,6 km2) thuộc vùng Tây Bắc xa xôi của Cameroon. Hồ được bao bọc bởi vách đá cao và rừng nguyên sinh tươi tốt.
Trước đó 2 năm, vào tháng 8/1984 đã có 37 người gần hồ Monoun cũng bị thiệt mạng, nhưng thảm họa này đã được chính phủ Cameroon bứng bít. Vì vậy, khi hiểm họa tiếp theo khiến hơn 5.000 người sống ở các làng gần hồ Nyos mất cảnh giác và không biết cách tránh. Khí độc từ hồ Nyos phát ra kèm theo tiếng nổ kinh hoàng kéo dài chừng 20 giây, mây và khí độc nhanh chóng di chuyển về phía Bắc làng Lower Nyos.
Một số người đã cố gắng chạy trốn nhưng không thoát, bị thiệt mạng trên đường dẫn ra thị trấn. Đám mây khí tiếp tục bay sang làng Cha Subum và Fang, khiến 500 người khác mất mạng. Khí CO2 đã giết chết mọi động vật, kể cả côn trùng nhỏ trên đường đi. Những người sống ở các tòa nhà cao tầng và nhà máy ít bị hệ lụy nhưng những người sống sót lại trải qua những cơn ho dai dẳng và nôn ra máu.
Theo số liệu của chính phủ Cameroon, sau 2 ngày vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng mới tới được hiện trường. Tổng số người bị thiệt mạng lên tới 1.750 người, chưa kể những nạn nhân được người sống sót chôn cất trước đó trong một ngôi mộ tập thể. Ngoài ra, còn có hơn 3.000 gia súc cùng nhiều động vật hoang dã, chim chóc và côn trùng chết theo cách tương tự. Chuyện được phát hiện bởi một người đàn ông từ làng Wum đi xe đạp sang làng Nyos vào sáng hôm sau. Người đàn ông này thấy nhiều con vật chết bên đường. Ban đầu ông nghĩ do sét đánh nhưng càng đi càng thấy nhiều động vật chết hơn, đặc biệt, sau khi phát hiện thấy những xác người chết nằm rải rác. Khi quay về làng, gặp lại những người còn sống ở làng Lower Nyos và các làng kế bên mới biết, hôm trước một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra, vụ nổ khí độc CO2 khiến nhiều người bị thiệt mạng.
"Hung thủ" giấu mặt
Sau thảm họa nói trên, không chỉ có chính phủ Cameroon vào cuộc mà giới nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới đổ về đây, đặc biệt là Pháp, Mỹ và các quốc gia châu Phi khác. Khám nghiệm tử thi cung cấp rất ít thông tin, bởi không có dấu hiệu chảy máu, bị thương, bệnh tật hoặc đau đớn trước khi tử vong. Phần lớn số người chết gục xuống, lịm đi rồi tắt thở, không có dấu hiệu phơi nhiễm phóng xạ, vũ khí hóa học hay khí độc nhân tạo khác. Nạn nhân tập trung chủ yếu trong khu vực bán kính gần hồ, càng gần hồ, nạn nhân càng đông. Ví dụ, làng Lower Nyos (Nyos Hạ) cách hồ chưa đến 4 km, chỉ có 6 trên tổng số hơn 800 dân làng may mắn thoát chết. Những làng càng xa hồ càng có nhiều người sống sót hơn, đặc biệt là những người ở trong nhà hay trong các nhà cao tầng.
Chính phủ Cameroon nghi ngờ vụ nổ là một hành động khủng bố hoặc ai đó đổ hóa chất xuống hồ còn người dân cho rằng, những linh hồn xấu ở hồ bắt đầu xuất hiện. Sau khi vào cuộc, các nhà khoa học phát hiện thấy hồ Nyos, địa danh theo truyền thuyết kể rằng, nơi đây có các linh hồn quỷ dữ cai quản và sẵn sàng giết hết những ai sống gần hồ. Nyos tọa lạc trên miệng núi lửa đã tắt, rộng chừng 2,5 km2, chỗ sâu nhất là 210m. Một cuộc điều tra sau khi thảm họa xảy ra cho thấy, nước ở hồ Nyos thấp hơn tới 4 feet (1,22m) so với trước khi thảm họa xảy ra. Rõ ràng, khí carbon dioxide đã được tích lũy từ các con suối ngầm đổ về hồ, khiến nước hồ vốn trong xanh bỗng nhiên chuyển thành màu đỏ đục.
Dựa vào các manh mối này, các nhà khoa học cho rằng núi lửa bên dưới hồ hoạt động, kết hợp với khí CO2 tích tụ đã tạo ra khí độc phun trào, gây ra những cái chết "bất đắc kỳ tử". Giả thiết trên xem ra có vẻ thuyết phục nhưng vẫn chưa thỏa đáng, bởi các nhân chứng sống sót sau thảm họa cho biết, không hề có động đất. Ngay cả trạm đo địa chấn cách hiện trường hơn 200 km cũng cho thấy, không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến động đất trong đêm 21/8 nhưng đèn dầu trong các ngôi nhà đều bị tắt, kể cả những chiếc mới đổ dầu. Xét nghiệm mẫu nước hồ Nyos ở nhiều độ sâu khác nhau cho thấy, nồng độ CO2 cao một cách bất thường, lượng CO2 hòa tan lớn gấp 5 lần so với lượng nước.
Theo các nhà khoa học, không chỉ riêng hồ Nyos, hồ nào cũng có khí CO2. Nyos có vị trí đặc biệt và tĩnh lặng nhất, được bao bọc bởi các vách đá dựng đứng và rừng nguyên sinh dày đặc nên nước không luân chuyển, khiến nó trở thành địa danh nguy hiểm. Khi CO2 tích tụ quá nhiều, áp lực tăng nên chỉ một tác động nhỏ từ bên ngoài như cơn gió hay một vụ sạt lở đất, cũng đủ để làm khí vuột ra khỏi hồ. Khoa học gọi đây là hiệu ứng ống khói, kích hoạt phản ứng dây chuyền, khiến hồ Nyos phun CO2 đã tích tụ nhiều năm.
CO2 là loại khí không màu, không mùi, nặng hơn không khí nên tập trung ở gần mặt đất. Tuy không hại bởi ngay trong không khí cũng có chứa 0,05% thành phần khí CO2 nhưng ở tỷ lệ cao đến 10%, nó có thể gây chết người. Tỷ lệ 5% đã có thể dập tắt lửa nên đèn dầu trong khu vực tắt có thể là do CO2 gây ra. Đa số nạn nhân đều không nhận ra mối nguy hiểm cho đến khi đám mây khí bao trùm. Những người ở trong nhà, đóng kín cửa, nhất là tòa nhà cao tầng và những người đang đứng thì may mắn không chết do đầu ở vị trí cao hơn luồng khí độc. Điều này không chỉ ở hồ Nyos mà ở hồ Monoun cũng xảy ra tương tự, những người tử vong đều thuộc nhóm chết khi đi làm ở vùng đất trũng, nơi khí CO2 đổ về nhiều.
Giải pháp ngăn ngừa thảm họa tái diễn
Để ngăn ngừa thảm họa tái diễn, chính phủ Cameroon đã thực thi nhiều giải pháp, trước tiên là di chuyển người dân sống ven hồ đến nơi an toàn. Ngoài việc nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, các nhà khoa học đã tiến hành phương án thoát CO2 một cách có kiểm soát để chặn đứng thảm họa tái diễn. Các nhà khoa học Pháp và Mỹ phối hợp với các nhà khoa học Cameroon lắp đặt hệ thống ống thoát khí có đường kính 6 in-xơ (15 cm) xuống độ sâu 666 feet (203m) dưới đáy hồ. Nước ở tầng đáy được bơm qua ống, phun lên cao nhằm phóng khí CO2. Quá trình này kéo dài liên tục cho đến khi CO2 dưới đáy hồ thoát tới ngưỡng an toàn. Sau khi thử nghiệm thành công vào năm 1995, ống thoát khí độc được chính thức đưa vào sử dụng năm 2001.
Theo William Evans, chuyên gia địa lý học thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), người đã tham gia cùng các nhà khoa học Cameroon khảo sát nghiên cứu thảm hoạ, đến năm 2006, ống thoát khí vẫn hoạt động tốt và giải phóng được gần 20 triệu mét khối khí mỗi năm, lớn hơn lượng khí nạp vào hồ. Từ năm 2001 đến 2006, lượng khí CO2 trong hồ Nyos đã giảm 13%. Ngoài phương án trên, các nhà khoa học đã đề xuất dự án gia cố con đập tự nhiên bằng bê tông, đồng thời lắp đặt thêm 4 ống thoát khí mới để duy trì nồng độ CO2 ở ngưỡng an toàn và bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn