Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, có nhiều chính sách định canh, định cư cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên một bộ phận người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông vẫn đang du canh, du cư phát nương, làm rẫy, mang theo cả gia đình, đời sống rất khó khăn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ những giải pháp giúp bà con dân tộc thiểu số và miền núi định cư ổn định cuộc sống trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, qua khảo sát tình trạng đồng bào di cư từ địa phương này sang địa phương khác không chỉ diễn ra đối với đồng bào dân tộc Mông, mà xảy ra với các dân tộc khác. Về tập tục, tập quán thì từ trước đến nay là đồng bào dân tộc Mông di cư nhiều hơn, thường xuyên hơn, có trường hợp di cư đến nhiều địa bàn nhiều tỉnh khác nhau. Hiện nay có những hộ gia đình chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư đến 3 – 4 tỉnh.
Phân tích nguyên nhân, ông Hầu A Lềnh cho rằng, đồng bào dân tộc Mông có tập quán là nghe nơi có điều kiện tốt hơn là họ đi theo cả gia đình, dòng tộc. Thực tế có những nơi di cư tới có điều kiện tốt hơn, sản xuất đời sống khá hơn.
Về luật pháp, thì công dân có quyền ở bất cứ nơi nào pháp luật không cấm. Việc di cư tự do, thì trách nhiệm của chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu biết, đồng thời kịp thời giải quyết các vướng mắc của bà con.
Về vấn đề tập quán, có giải pháp để giải quyết các tập tục không còn phù hợp. Theo ông Hầu A Lềnh, giải quyết vấn đề này cần giải pháp tổng hợp để người dân hiểu, giảm tình trạng di dân tự do, ảnh hưởng đến công tác quản lý dân cư cũng như chính đời sống của họ.
Trả lời đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, về những bất cập trong việc giao đất cho đồng bào sản xuất, trong đó có trường hợp giao đất cho đồng bào nhưng đất sản xuất không đủ điều kiện cơ bản khiến đồng bào không sản xuất được rồi bỏ; tình trạng lấn chiếm, bán, sang nhượng đất sau khi được giao… Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân, trên thực tế có một số trường hợp phổ biến, như: Hộ dân chưa được cấp đất, chưa có đất sản xuất do yếu tố khách quan, thì đang tập trung giải quyết; trường hợp khác đã được cấp đất rồi, kể cả đất ở, đất sản xuất nhưng trong quá trình thực tiễn có thể đã chuyển nhượng, mua bán.
Ông Hầu A Lềnh cho rằng, nếu trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đều thuộc cấp ủy chính quyền địa phương quản lý; việc mua bán, chuyển nhượng đất đều do địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo ông Hầu A Lềnh, các chính sách về giao đất cho đồng bào cần phải có sự phối hợp thống nhất từ Trung ương đến địa phương; trong đó Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.
Trong giai đoạn tới, khi sửa Luật đất đai sẽ có những chế tài để xử lý những vấn đề này tốt hơn. Uỷ ban Dân tộc cũng có góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), trong đó đề xuất có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cho cộng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất nông nghiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn