Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết Hội nghị nhằm đánh giá quá trình 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 56 tại các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là ý kiến đánh giá của các cấp Hội LHPN để từ đó đưa ra giải pháp, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo cho các cấp Hội LHPN tham gia quản lý nhà nước một cách hiệu quả hơn.
Trong 5 năm qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp đã phối hợp với Hội LHPN cùng cấp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai Nghị định 56, thể hiện ở một số nội dung, như: Ngày càng chủ động, tích cực mời Hội LHPN Việt Nam tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án liên quan đền quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thuộc chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành theo quy định của pháp luật; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật.
Với vai trò là cơ quan phối hợp với Bộ Nội vụ đôn đốc, hướng dẫn triển khai Nghị định 56, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn triển khai nghị định 56 trong các cấp Hội LHPN Việt Nam; cử đại diện tham gia các hoạt động quản lý Nhà nước; nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới; thực hiện tốt hoạt động phản biện xã hội thông qua việc tích cực, chủ động tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật BHXH…; tích cực vận động phụ nữ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, giám sát, rà soát các chính sách để phụ nữ được tham gia hưởng lợi từ các chương trình, đề án, dự án; chủ động lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp với điều kiện của đơn vị và tình hình thực tế của địa phương, tập trung vào các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, khẳng định: Thời gian qua, các cấp Hội LHPN đều đã lựa chọn các ưu tiên, trọng tâm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của phụ nữ từng địa phương. Tuy nhiên, dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy nhiều chỉ tiêu mục tiêu liên quan đến phụ nữ, nhưng thực tế cho thấy nhiều nội dung của Chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới mục tiêu đến 2020 chưa đạt.
Đặc biệt hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với phụ nữ. Thực tế này đòi hỏi cần phải nhanh chóng bổ sung nhiều nội dung để đáp ứng được các yêu cầu của tình hình mới. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cần phải được định lượng và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương một cách cụ thể, phù hợp với văn bản pháp luật hiện hành.
Chủ tịch Hội cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa việc tham gia quản lý Nhà nước của Hội LHPN Việt Nam như: Tăng cường hỗ trợ, tăng cường đặt hàng cho các tổ chức Hội LHPN, giao các đề án để Hội LHPN thực hiện hoặc tham gia, cùng chính quyền tham gia chăm lo tốt hơn cho các đối tượng… Trước mắt tạo điều kiện triển khai có hiệu quả 2 đề án đã được Chính phủ phê duyệt: “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng đề nghị Bộ Nội vụ hợp tác để đề xuất chính sách dân số và sức khỏe sinh sản; dinh dưỡng, chất lượng sống của phụ nữ…
Trong phần phát biểu của mình, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cũng lưu ý một số nội dung quan trọng: Khi đề xuất các chính sách, cần có cơ sở khoa học và thực tiễn, lựa chọn những vấn đề thiết thực với phụ nữ; cần rà soát lại các nội dung để có những bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, bao gồm: Chính sách cho nữ cán bộ, công chức, viên chức khi đi học có con nhỏ; tỷ lệ phụ nữ tham chính; về tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ; cần tiếp tục bổ dung, hoàn thiện chính sách đối với tài năng nữ, phụ nữ dân tộc thiểu số…
Nguyên Chủ tịch Hội cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phân bổ ngân sách, kinh phí cần quan tâm hơn tới tổ chức Hội LHPN. Bà rất băn khoăn trước thực tế kinh phí cấp cho việc nghiên cứu khoa học của Hội LHPN Việt Nam luôn thấp hơn hàng chục lần so với một số tổ chức, hội, đoàn khác…
Theo kế hoạch, thời gian tới, Hội LHPN sẽ tiếp tục triển khai một số nội dung, công việc: Xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; tổ chức cho hội viên, phụ nữ thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động để góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ Hội các cấp thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tham mưu đề xuất chính sách, tuyên truyền, tư vấn pháp luật, làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; phát huy vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ, nguồn cán bộ nữ; vận động các nguồn lực nhằm thực hiện tốt công tác xã hội hóa cũng như vai trò chủ động trong việc khắc phục những khó khăn về điều kiện kinh phí để triển khai các hoạt động của Hội có hiệu quả…
Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa để phát huy hiệu quả của nhóm phụ nữ đứng đầu có khả năng dẫn dắt như trí thức, doanh nhân… Nâng cao số lượng cán bộ nữ nắm các vị trí chủ chốt ở bộ ngành trung ương và các địa phương.