Hội thảo đã nhận được hơn 50 báo cáo khoa học của các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác nhau trong cả nước. Nội dung các báo cáo tập trung phân tích, bàn luận những vấn đề chủ yếu: Khung chính sách, luật pháp về bảo đảm quyền tham chính của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay; vai trò của phụ nữ trong các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể; một số vấn đề về phụ nữ và bình đẳng giới trong việc bảo đảm quyền tham chính.
Tỷ lệ phụ nữ tham chính thấp
Những năm gần đây, Việt Nam đã có bước tiến về tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính. Đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính.
Cụ thể, đối với nữ tham gia cấp ủy các cấp: Nhiệm kỳ 2006-2010, tỷ lệ Ủy viên Ban thường vụ cấp tỉnh là 7,9%, nhiệm kỳ 2010-2015 là 8,3% và nhiệm kỳ 2015-2020 là 10,7%. Ủy viên Ban chấp hành ở cấp xã nhiệm kỳ 2010-2015 là 18% thì đến nhiệm kỳ 2015-2020 đã đạt 19,69% (tăng khoảng 2%). Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy có tăng, tuy nhiên tỷ lệ nữ cán bộ trong cơ quan trọng yếu nhất của Đảng vẫn thấp: Nữ Ủy viên Bộ Chính trị (3/19) và nữ Ủy viên Ban Chấp hành TƯ là 15 (đạt 7,8%) so với nam là 166 người (chiếm tỷ lệ 92,2%). Mặc dù vậy, nhìn chung trên toàn quốc, tỷ lệ phụ nữ tham chính còn thấp, phát triển chậm, chưa bền vững, có dấu hiệu giảm ở một số vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Đối với nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2007-2011 đạt 25,8%, nhiệm kỳ 2011-2016 đạt 24,4% và nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 26,8%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 là 26,6% (tăng hơn 1% so với nhiệm kỳ 2011-2016). Cấp huyện là 27,5% (tăng khoảng 3% so với nhiệm kỳ 2011-2016). Cấp xã là 26,6%, tăng khoảng 5% so với nhiệm kỳ 2011-2016).
Hội thảo là hoạt động hợp tác thường niên giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và Viện FES nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu về bình đẳng giới và phát triển bền vững
Tỷ lệ nữ là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2007-2011 là 15,76%, nhiệm kỳ 2011-2016 là 23,53% và đến nhiệm kỳ 2016-2021 là 27,7%. Tỷ lệ nữ Chủ nhiệm Ủy ban trong Quốc hội nhiệm kỳ 2007-2011 là 22,22%, nhiệm kỳ 2011-2016 là 11,11%, đến nhiệm kỳ 2016-2021 là 25%. Kết quả này cho thấy tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tăng hơn nhiệm kỳ trước, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia 2011-2020 là trên 35% và ở các vị trí chủ chốt như chủ nhiệm/phó chủ nhiệm ủy ban, cán bộ chuyên trách, tỷ lệ nữ vẫn ít hơn so với nam giới.
Nhiều rào cản
Ngoài những rào cản, nguyên nhân khách quan hạn chế sự tham chính của phụ nữ như định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, tính gia trưởng của nam giới vẫn còn ngự trị trong văn hóa truyền thống; tư tưởng an phận, tự ty, thiếu động lực vươn lên của bản thân người phụ nữ; chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; vai trò quyết định về công tác cán bộ của cấp ủy Đảng và người đứng đầu… thì một trong những yếu tố hạn chế quyền tham chính của phụ nữ, đó là vẫn còn những khoảng cách từ chính sách đến chỉ đạo trong thực tế.
Theo TS Vương Thị Hanh, Trung tâm hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (Cepew) trong tổ chức bầu cử, đa số nữ ứng cử thuộc loại cơ cấu kết hợp (đại biểu nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi, tôn giáo đa phần ở cấp địa phương) thường giữ vị trí lãnh đạo ở những đơn vị cơ sở. Do phải gắn cơ cấu khác, nhiều ứng cử viên nữ có vị thế thấp về trình độ chuyên môn, vị trí công tác, kinh nghiệm hoạt động, vì vậy khó trúng cử. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bầu cử không đảm bảo sắp xếp danh sách nam nữ ứng cứ tương đồng về trình độ, vị trí và kinh nghiệm công tác cũng dẫn đến nữ không trúng cử.
Trong công tác cán bộ, TS Vương Thị Hanh cũng cho rằng quan điểm giới chưa được lồng ghép trong quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ. Điều này đã làm cản trở cơ hội đào tạo và thăng tiến của phụ nữ. Ví dụ như quy định độ tuổi lần đầu tham gia cấp ủy, quy định độ tuổi cán bộ cử đi học cao cấp lý luận chính trị - hành chính, quy định điều kiện đào tạo cán bộ, công chức sau đại học đã không tính đến những đặc điểm khác biệt của nam và nữ. Từ đó có những chính sách điều chỉnh, phù hợp với thời điểm và điều kiện có thể của phụ nữ, tạo cơ hội cho nữ đi đào tạo…
Hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ
Để hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ như:
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, kể cả lãnh đạo các cấp, các ngành về bình đẳng giới; hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu, về bầu cử, về chính sách cán bộ, về hệ thống chỉ tiêu (bảo đảm tính pháp lý, ràng buộc của các chỉ tiêu, thay cụm từ “phấn đấu đạt được” bằng cụm từ “yêu cầu đạt được”. Bên cạnh đó cần phát huy nội lực của phụ nữ; phát triển những dịch vụ xã hội nhằm giảm nhẹ công việc gia đình, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ tiếp cận mọi nguồn lực để phát triển và tham gia chính trị; tăng cường trách nhiệm và cải tiến cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan: Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Hội LHPNVN trong đề xuất chính sách cán bộ và giám sát thực hiện chính sách bình đẳng giới.
“Để có được sự phát triển bền vững, các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã và đang chú trọng đến việc xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các hoạt đông thực tiễn của đất nước. Nhiều quốc gia đã có được những chính trị gia là nữ được bầu vào vị trí nguyên thủ quốc gia và các vị trí khác trong guồng máy chính trị. Tỷ lệ 39% phụ nữ là nghị sĩ nghị viện châu Âu là con số cao nhất từ trước đến nay. Một số nước trên thế giới có tỷ lệ cao là: Ruanda (61,3%), Cuba (53,2%), Bolivia (53,1%), Mexico (48,2%), Thụy Điển (47,3%)… Đã có 23 quốc gia có quy định về tỷ lệ như nhau đối với danh sách ứng viên, 12 trong số này nằm ở Mỹ Latinh. Ở châu Âu mới có Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Slovenia là có luật quy định về tỷ lệ giới đối với các danh sách ứng viên. Tỷ lệ này dao động từ 40-50%. Riêng nước Pháp có Luật về tỷ lệ như nhau (Luật Parité) từ năm 2000”. (TS Lương Văn Tuấn - Học viện Phụ nữ Việt Nam; CN Nguyễn Thị Hoan - Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam; CN Nguyễn Thành Hiếu - Bộ Công an) |