Giải pháp xử lý thực phẩm hết hạn và quản lý rác thải thực phẩm

16:23 | 23/11/2024;
Vấn đề rác thải thực phẩm đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe con người. Mỗi năm, hàng triệu tấn thực phẩm bị lãng phí, góp phần không nhỏ vào ô nhiễm môi trường và gây áp lực lên hệ thống quản lý rác thải.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng (Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai), chia sẻ các giải pháp xử lý thực phẩm hết hạn và quản lý rác thải thực phẩm trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay.

Giải pháp xử lý thực phẩm hết hạn và quản lý rác thải thực phẩm- Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng (Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai)

Trong tình hình hiện nay, việc tìm hiểu và giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm là rất cần thiết. Vậy, xin ông cho biết định nghĩa rõ ràng hơn về rác thải thực phẩm?

Rác thải thực phẩm là các loại thực phẩm bị loại bỏ trong quá trình sản xuất, chế biến, phân phối, lưu trữ, tiêu thụ hoặc sau khi đã qua sử dụng. Đây là một phần của rác thải sinh hoạt nhưng có đặc điểm chủ yếu là hữu cơ, dễ phân hủy, và bao gồm các thành phần được phân loại cụ thể.

Thực phẩm không sử dụng được bao gồm vỏ trái cây, rau củ, xương động vật, bã trà, bã cà phê và các thực phẩm hết hạn sử dụng, bị ôi thiu, hư hỏng. Thực phẩm bị lãng phí bao gồm đồ ăn thừa sau bữa ăn, phần thức ăn chế biến dư mà không tiêu thụ hết. Sản phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm bị bỏ do lỗi ngoại hình (kích thước, hình dáng, màu sắc không đạt chuẩn). Nếu rác thải thực phẩm không được xử lý sẽ gây ra các tác động đến môi trường, kinh tế và xã hội.

Theo ông, cần có biện pháp gì để giảm rác thải thực phẩm?

Việc làm đơn giản nhưng lại quan trọng nhất, đó chính là mỗi gia đình nên mua sắm và chế biến thực phẩm đúng nhu cầu; tái sử dụng thức ăn thừa (làm món ăn mới, làm phân bón hữu cơ). Tăng cường nhận thức về việc giảm lãng phí thực phẩm ở mọi giai đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng.

Xử lý rác thải thực phẩm hiệu quả là vấn đề quan trọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững. Một số phương pháp xử lý rác thực phẩm phổ biến và hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay là tái sử dụng và phân phối lại thực phẩm, làm phân bón hữu cơ, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất khí sinh học biogas, chế biến thức ăn chăn nuôi,…

Đối với rác thực phẩm không thể xử lý bằng các phương pháp khác, thì cần chôn lấp kết hợp thu hồi khí methane để sản xuất năng lượng. Đối với phương pháp này thì có ưu điểm là tiện lợi, chi phí thấp hơn so với nhiều phương pháp khác. Tuy nhiên, nó có thể có nguy cơ gây ô nhiễm đất và nước nếu không được quản lý chặt chẽ. Nói chung việc xử lý rác thải thực phẩm có nhiều phương pháp, tuy nhiên tùy thuộc vào quy mô để chúng ta lựa chọn phương pháp cho phù hợp.

Giải pháp xử lý thực phẩm hết hạn và quản lý rác thải thực phẩm- Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh trong một buổi chia sẻ về phân loại chất thải

Riêng đối với thực phẩm hết hạn tại các siêu thị, hiện nay có biện pháp gì để xử lý?

Việc xử lý thực phẩm hết hạn tại các siêu thị là một vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa nguồn tài nguyên. Hiện nay, các siêu thị thường áp dụng những biện pháp để xử lý thực phẩm hết hạn như: Phân loại rác tái chế, hủy bỏ an toàn, quản lý từ đầu chuỗi cung ứng, tặng cho tổ chức từ thiện (nếu phù hợp), ứng dụng công nghệ xử lý.

Một số biện pháp cần chú ý như phân loại và tái chế. Thực phẩm hết hạn (nhưng không gây nguy hiểm) được thu gom để làm thức ăn cho chăn nuôi sau khi xử lý hợp lý hoặc các loại rau củ quả hoặc thực phẩm dễ phân hủy được đưa vào quy trình ủ phân, chuyển hóa thành phân bón.

Biện pháp quản lý từ đầu chuỗi cung ứng cũng rất hữu hiệu. Các siêu thị thường sử dụng các hệ thống quản lý tồn kho hiện đại để dự đoán chính xác nhu cầu tiêu dùng, từ đó giảm nguy cơ dư thừa thực phẩm làm giảm thiểu thực phẩm tồn kho. Ngoài ra, các siêu thị còn áp dụng chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm gần ngày hết hạn để giảm lượng thực phẩm phải xử lý, đây là phương pháp kích cầu trước khi hết hạn của các siêu thị.

Hiện nay, dù có nhiều biện pháp khả thi trong việc xử lý thực phẩm hết hạn nhưng nhìn chung vẫn gặp một số thách thức như: Chi phí cao để vận chuyển và xử lý đúng cách; hệ thống phân loại tại nguồn chưa tối ưu; thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ trong việc phân bổ thực phẩm gần hết hạn đến các tổ chức từ thiện. Do đó, để giải quyết triệt để, cần sự phối hợp giữa chính quyền ở cấp trung ương, địa phương và cả cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về việc tiết kiệm thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường.

Nếu không xử lý kịp thời rác thải thực phẩm thì sẽ gây ra những hậu quả gì tới môi trường và sức khỏe?

Nếu không xử lý kịp thời rác thải thực phẩm, hậu quả có thể rất nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Cụ thể một số tác động chính như phát thải nhà kính, ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, gia tăng áp lực chôn lấp rác,…đó là hậu quả đối với môi trường.

Hậu quả đối với sức khỏe con người là phát tán dịch bệnh. Rác thực phẩm không được xử lý là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus, và nấm mốc gây bệnh sinh sôi, như E. coli, Salmonella, hoặc các loại vi khuẩn yếm khí nguy hiểm. Ngoài ra, những loài côn trùng và động vật như ruồi, chuột, gián bị thu hút bởi rác thực phẩm có thể lây lan bệnh tật cho con người.

Cùng với đó, mùi hôi và ô nhiễm không khí gây hại tới sức khỏe. Rác thực phẩm phân hủy sinh ra mùi hôi thối do chứa các hợp chất như hydrogen sulfide và amoniac, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Khi tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm từ rác thực phẩm có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, dị ứng hoặc kích ứng mắt, mũi, cổ họng.

Việc giảm rác thải thực phẩm không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và sinh thái. Đặc biệt, lợi ích đối với phát triển bền vững đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Chúng ta cần có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn bằng việc biến rác thực phẩm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoặc năng lượng tái tạo giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên mới; tạo ra các sản phẩm có giá trị từ những thứ thường bị coi là rác.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn