Giải thoát nỗi ám ảnh phải “đeo túi nước tiểu bên hông suốt đời” cho bệnh nhân ung thư bàng quang

13:54 | 16/08/2022;
Bệnh nhân bị ung thư bàng quang xâm lấn cơ gây ứ nước ở thận được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ bàng quang tận gốc và tạo hình bàng quang bằng ruột non thành công, giúp cho người bệnh thoát khỏi nỗi ám ảnh phải “đeo túi nước tiểu bên hông đến trọn đời”.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn tiếp nhận bệnh nhân A. (36 tuổi, quốc tịch Campuchia) trong tình trạng mệt mỏi, đau vùng hạ vị, tiểu máu đỏ tươi có nhiều cặn lắng gần một năm nay.

Trước đó, khi thăm khám tại Campuchia, người bệnh đã được chẩn đoán ung thư bàng quang xâm lấn cơ. Tuy nhiên, vì e ngại không muốn "đeo túi nước tiểu bên hông đến trọn đời" sau khi phẫu thuật cắt bỏ bàng quang nên người bệnh quyết định chưa điều trị.

Được sự giới thiệu, người bệnh đến Việt Nam và nhập viện phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc và tái tạo bàng quang "mới" bằng ruột mà không cần mang túi chứa nước tiểu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Qua xét nghiệm, thăm dò cận lâm sàng cho thấy hình ảnh khối u trong bàng quang kích thước 76x50x50mm xâm lấn thành bàng quang, chèn ép lỗ niệu quản phải làm ứ nước thận phải. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị ung thư bàng quang và buộc phải chỉ định cắt bàng quang tận gốc do khối u lớn đã xâm lấn sâu vào lớp cơ và tạo hình bàng quang mới bằng ruột non để mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người bệnh.

Trải qua 6 giờ phẫu thuật, ê-kíp phẫu thuật khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đã cắt bỏ toàn bộ bàng quang bị bướu xâm nhiễm. Đồng thời tái tạo một bàng quang mới bằng cách dùng một đoạn ruột non dài 60cm tạo thành một túi chứa nước tiểu.

Giải thoát nỗi ám ảnh phải “đeo túi nước tiểu bên hông suốt đời” cho bệnh nhân ung thư bàng quang - Ảnh 1.

Bác sĩ đang thăm khám cho người bệnh

Đặc biệt, bàng quang "mới" tái tạo này được nối với niệu đạo nên bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu theo đường tự nhiên như trước phẫu thuật. Bệnh nhân được đặt ống thông tiểu trong khoảng 3 tuần, bơm rửa hàng ngày để làm sạch chất nhầy của niêm mạc ruột.

Sau phẫu thuật 2 ngày, tình trạng sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, ăn uống, vận động đi lại bình thường. Dự kiến sau thời gian chăm sóc sau mổ và làm quen với cảm giác mắc đi tiểu với bàng quang mới, bệnh nhân sẽ quay lại với sinh hoạt ngày thường mà không cần phải mang bất cứ một ống dẫn nào. Người bệnh sẽ được theo dõi và xuất viện sau 7 ngày phẫu thuật.

BS.CKII Lê Văn Hiếu Nhân - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật - cho biết, trước đây, phẫu thuật cắt bỏ bàng quang tận gốc và không tạo hình bàng quang mới bằng ruột phải thực hiện bằng mổ mở, người bệnh phải chịu đựng một vết mổ dài ở bụng, đau nhiều sau mổ và bệnh nhân phải mang hai túi chứa nước tiểu suốt cả đời.

Chính vì điều này mà nhiều bệnh nhân điều trị ung thư lại rất tự ti do những phiền phức gặp phải sau quá trình điều trị gây ra, vì vậy không ít bệnh nhân ung thư đã từ chối phẫu thuật do quá lo ngại về hậu quả sau khi điều trị nên chấp nhận cuộc sống ngắn hơn nhưng toàn vẹn cơ thể.

Theo bác sĩ Hiếu Nhân, hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, phẫu thuật này có thể thực hiện qua nội soi ổ bụng, người bệnh chỉ có một vết mổ ngắn quanh rốn, ít đau và nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau mổ cùng việc tái tạo bàng quang mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Phương pháp này được coi là "tiêu chuẩn vàng" trong điều trị ung thư bàng quang xâm lấn cơ vì không chỉ đạt được mục đích điều trị triệt căn ung thư bàng quang mà còn mang lại cuộc sống gần như bình thường đối với người bệnh.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi có những biểu hiện bất thường về tiểu tiện như tiểu ra máu, tiểu khó… thì nên đến cơ sở y tế được khám phát hiện để điều trị. Đặc biệt nên khám định kỳ để phát hiện sớm kể cả những trường hợp đã được phẫu thuật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn