Những bông hoa đẹp giữa đời thường
Cô Nguyễn Ngọc Điểu (Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu, tỉnh Vĩnh Long) đã sáng lập cơ sở phục hồi chức năng và hỗ trợ điều trị miễn phí cho trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn trong nhiều năm qua. Ở tuổi 80, không lập gia đình, cô đã cùng với các cộng sự tập luyện cho hàng nghìn em đến từ các tỉnh/thành trong cả nước. Tấm lòng nhân ái của cô đã chạm đến trái tim của rất nhiều thế hệ trẻ.
Tại lễ trao Giải thưởng KOVA lần thứ 17, cô Điểu chia sẻ: “Tôi mở cơ sở từ khi nghỉ hưu, đến nay tôi đã 80 tuổi rồi nhưng vẫn không bỏ được công việc này vì thấy các cháu có những tiến bộ. Trong số các cha mẹ có con đến cơ sở, 80% là nghèo nên trong quá trình làm, tôi đã vận động mạnh thường quân để các cháu có bữa ăn và các gia đình yên tâm điều trị. Nhiều người khuyên tôi rằng “người ta có 2,3 đứa con, trong đó 1 đứa bị tật còn lo không xong, dám mở lớp đông vậy thì làm sao”. Tôi cười trả lời: "Đây là thói quen của tôi rồi, mấy chị yên tâm. Mình làm chuyện đúng, chuyện phải thì sẽ có người ủng hộ”.
Cũng như cô Điểu, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM) là tấm gương về tinh thần sống vì cộng đồng. Luật sư Ngọc Nữ được mọi người xem như “lá chắn thép” bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Ở tuổi 63, lứa tuổi đáng lẽ ra được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng bà vẫn tiếp nhận các vụ việc bảo vệ trẻ em, bất chấp mưa gió, đường xa, bất chấp vụ án nguy hiểm thế nào. Bà đã không còn nhớ số lần gõ cửa cơ quan chức năng, đi tìm chứng cứ để trả lại sự công bằng cho các em.
“Tôi nhớ mãi kỷ niệm là một vụ án sau khi xử xong, một thời gian sau gia đình vẫn liên lạc báo tin vui là bé đã phục hồi, đi học hành bình thường và hòa đồng với mọi người. Chúng tôi không mong về vật chật mà hy vọng tinh thần của các bé bị bạo hành, bị xâm hại được trở lại bình thường. Khi bảo vệ các em, chúng tôi muốn các em được hạnh phúc, dành những điều tốt đẹp nhất cho các em”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tâm sự.
Đó là 2 trong 5 tấm gương vừa nhận Giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp. Họ là những người lan tỏa tinh thần nhân ái, là tấm gương thầm lặng mà cao quý góp phần xoa dịu những mảnh đời kém may mắn.
Nơi nhân lên những điều tử tế
Ngày 16/11, tại TPHCM, 150 cá nhân, tập thể có những nỗ lực trong học tập, làm việc, nghiên cứu sáng tạo và luôn hết mình vì cộng đồng đã được trao Giải thưởng KOVA lần thứ 17. Bản thân Giải thưởng cũng đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển bền vững của cộng đồng thông qua việc khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng, lan tỏa những hành động nhân văn và ươm mầm, hỗ trợ cho các em sinh viên trên cả nước.
Năm nay, ở hạng mục Kiến tạo, Giải thưởng KOVA được trao cho tập thể Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, với công trình nghiên cứu "Phẫu thuật nội soi cắt một phần thận trong điều trị bướu thận nhỏ". Ở hạng mục Sống đẹp, Giải thưởng KOVA được trao cho 5 cá nhân, có những hành động đẹp và truyền cảm hứng trong xã hội. Ngoài ra, Giải thưởng KOVA lần thứ 17 còn trao thưởng cho 8 sinh viên có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học ở hạng mục Triển vọng và trao 132 suất học bổng Nghị lực cho các em sinh viên vượt khó học tốt từ 56 trường Đại học công lập trên cả nước.
Phát biểu tại Lễ trao giải, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA - cho biết, 150 cá nhân, tập thể nhận giải thưởng năm nay được lựa chọn từ hàng ngàn đề cử trên khắp cả nước. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giải thưởng KOVA cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tiêu chí của giải thưởng luôn đề cao những ý tưởng, công trình nghiên cứu đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, cho người dân.
“Trong những năm tới, Giải thưởng KOVA sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều đối tượng nhằm khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân cùng dồn sức phát triển đất nước bằng tri thức, bằng khoa học, trí tuệ và những sáng kiến đổi mới”, bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Giải thưởng KOVA ra đời năm 2002, từ ý tưởng của PGS.TS Nguyễn Thị Hoè - Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA, xuất phát từ việc bà từng trải qua những khó khăn thời sinh viên và những ngày đầu khởi nghiệp từ khoa học. |