Sáng 23/2, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – VCCI phối hợp Hiệp hội Sữa Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 15/2018 NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Nghị định này có hiệu lực ngay từ ngày ký 2/2/2018. Nghị định 15 có 11 nội dung thay đổi mạnh mẽ, căn bản về phương thức quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).
Một trong những quy định được cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thực phẩm đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến (Điều 4). Khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và chỉ cần “nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, quy định này thay đổi rất căn bản cách thức quản lý về ATTP. Quy định trước đây, doanh nghiệp muốn công bố 1 sản phẩm thực phẩm phải gửi đến cơ quan bộ ngành để xin phép. Trong thực tế đã có câu chuyện “một cái bánh cõng 13 giấy phép”. Từ nay, doanh nghiệp, cá nhân tự công bố sản phẩm, phải tự đảm bảo chất lượng, an toàn của sản phẩm. Phương thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cũng được thay đổi từ “tiền kiểm sang hậu kiểm”; chỉ thanh tra kiểm tra sản phẩm khi sản phẩm đã ra thị trường.
Ông Long cho biết thêm, Bộ Y tế đang xây dựng nghị định xử phạt vi phạm về ATTP và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ATTP nhằm công bố cập nhật các danh mục sản phẩm tự công bố, sản phẩm đã đăng ký. Dự kiến tháng 6/2018, Bộ này công bố cơ sở danh mục sản phẩm thực phẩm đã được công bố để người dân tra cứu.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đánh giá Nghị định 15 là bằng chứng rõ nhất làm thay đổi căn bản, có tính cách mạng về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm. Giảm gánh nặng chi phí thời gian, xin phép giấy phép công bố, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giảm giá thành, để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sống cuả người dân.
Theo ông Lộc, trước đây việc đăng ký và công bố sản phẩm an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp là “quá trình gian khổ” với rất nhiều giấy phép con, mất rất nhiều thời gian và công sức mới đưa được sản phẩm ra thị trường, khiến cho sức cạnh tranh bị giảm sút. Nghị định 15 có hiệu lực ngay từ tháng 2/2018 đã cắt giảm tới 90% các thủ tục hành chính, tiết kiệm hơn 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời cũng nâng trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân đảm bảo chất lượng an toàn của sản phẩm, nâng cao sức khỏe người dân.
Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn Nghị định 15 được thực hiện nhanh, quyết liệt và được áp dụng hiệu quả đến cấp cơ sở.
Nghị định 15/2018 NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm có 13 chương 44 điều có hiệu lực ngay từ ngày ký 2/2/2018, thay thế Nghị định số 38/2012. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định về thủ tục tự công bố sản phẩm, thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm biến đổi gen, Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu, xuất khẩu; Ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm… |