Giảm cân, đốt mỡ theo cơ chế insulin: Chuyên gia chỉ ra sự thật

11:47 | 25/03/2023;
Nếu bạn đang giải thích cơ chế đốt mỡ theo cách này và hoàn toàn tin vào nó, xin chia buồn. Vậy cơ chế đốt mỡ đúng của cơ thể là gì?

Bạn có bao giờ băn khoăn, vì sao ăn đồ ăn vặt lại khiến mình mập lên nhiều và nhanh đến vậy? Thông thường, người ta giải thích là do những món ăn vặt thường kém lành mạnh, chứa nhiều đường, tinh bột, chất béo trans... khiến bạn tăng cân nhanh. Thế nhưng mới đây lại có nhiều người bàn luận là do cơ chế hoạt động của insulin.

Theo lời giải thích một cách đơn giản, insulin có cơ chế hoạt động theo hình sin. Khi bạn ăn sáng vào lúc khoảng 8 giờ, insulin bắt đầu tăng lên, đến 10 giờ thì bắt đầu thấy đói do insulin tiết đi hết rồi. Đến 12 giờ, bạn ăn vào, insulin lại tăng lên, sau một khoảng thời gian nó sẽ lại giảm xuống. Khoảng 18 giờ, bạn ăn bữa tối và cơ chế tăng giảm xuất hiện tương tự. Ở những khoảng thời gian insulin giảm, bạn không ăn gì thì cơ thể được đốt mỡ. 

Nhiều người cho rằng insulin có cơ chế hoạt động theo hình sin, tăng giảm cân từ đó mà ra.

Nhưng thông thường ở những giai đoạn insulin sụt giảm, bạn thường ăn vặt để chống đói. Thành ra insulin lúc nào cũng tăng, thời gian để cơ thể đốt mỡ sẽ bằng con số 0. Về lâu dài, điều này sẽ gây tích mỡ cực nhanh. Nguyên nhân bởi đồ ăn vặt có lượng calo rất lớn. Khi tích mỡ như vậy, về lâu dài bạn sẽ bị bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường. Do đó, cách giúp bạn tránh tích mỡ chính là hạn chế hoặc bỏ hẳn đồ ăn vặt.

Đốt mỡ theo cơ chế insulin như trên liệu có đúng theo khoa học?

Theo BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược), nếu bạn đang giải thích cơ chế đốt mỡ theo cách này và hoàn toàn tin vào nó, xin chia buồn: "Bạn không có kiến thức nền tảng Hoá Sinh. Đây là cách giải thích cơ chế đốt mỡ hoàn toàn sai lầm", chuyên gia khẳng định.

Vậy cơ chế đốt mỡ đúng của cơ thể là gì? 

BS Lê Tiến Huy giải thích, cơ quan đốt mỡ chính là ti thể trong cơ thể. "Trong cơ thể mỗi người có hàng trăm tỉ ti thể như vậy và hoạt động đốt mỡ luôn luôn xảy ra. Hàng ngày, khi chúng ta vận động và làm việc nhẹ nhàng, cơ thể luôn luôn ưu tiên đốt mỡ làm năng lượng. Nguyên nhân bởi bộ gen của chúng ta đã được lập trình sẵn việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm", BS Huy cho biết.

Đốt mỡ theo cơ chế insulin: Chuyên gia chỉ ra sự thật - Ảnh 2.

Nhưng ngoài ra, trong cơ thể của chúng ta có những cơ quan không thể sử dụng mỡ làm năng lượng được. Ví dụ như não, não chỉ ăn glucose.

Tóm lại, khi chúng ta vận động mạnh, vận động cường độ cao thì tế bào cơ bắp sẽ đốt đường để lấy năng lượng. Sau đó vẫn còn rất nhiều bộ phận khác của cơ thể cần năng lượng và vẫn phải hoạt động, sử dụng cả mỡ. Do đó, trong 24 giờ, cơ thể luôn luôn đốt cả đường cả mỡ. Tuỳ thuộc vào mỗi trạng thái có thể đốt đường nhiều hơn mỡ hoặc ngược lại.

"Để axit béo có thể đi vào trong ti thể để đốt, axit béo ấy phải được gắn với một enzyme có tên là CPTI. Bởi vì, axit béo nó không thể tự chạy vào trong ti thể để cho ti thể đốt được. Nhưng khi insulin của chúng ta tăng lên, nó lại ức chế sự hoạt động của enzym này. Do đó, quá trình đốt mỡ sẽ bị giảm xuống", chuyên gia cho biết thêm.

Chuyên gia chia sẻ, insulin là hormone có chức năng lưu trữ năng lượng. Khi bạn ăn bất kì loại thực phẩm nào thì cơ thể sẽ tiết ra insulin để lưu trữ những thứ bạn ăn vào. Vậy nên insulin có tăng hay giảm thì quá trình đốt mỡ vẫn diễn ra để cung cấp năng lượng cho cơ thể sống.

Do đó, không có chuyện cứ khi nào insulin giảm thì cơ thể mới vào trạng thái đốt mỡ. Cũng như không có chuyện cứ ăn vặt vào làm insulin tăng lên là không đốt được mỡ.

Ở đây chúng ta cũng cần làm rõ khái niệm đốt mỡ và giảm mỡ, tránh gây hiểu lầm. Theo HLV Phạm Hoàng Vũ (làm việc tại Đà Nẵng), đốt mỡ là quá trình cơ thể đốt cháy năng lượng để sử dụng. Đây là một quá trình sinh lý diễn ra tự nhiên trong cơ thể. Trong khi đó, giảm mỡ là quá trình kho dự trữ năng lượng (mỡ thừa) được đem ra sử dụng do cơ thể đang trong tình trạng bị thiếu hụt năng lượng.

"Mục tiêu của tất cả mọi người là giảm mỡ để khoẻ mạnh và cơ thể săn chắc. Muốn giảm mỡ thì phải tạo ra tình huống thiếu hụt năng lượng", HLV Phạm Hoàng Vũ cho biết thêm.

Chung nhận định, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) cho rằng, muốn giảm cân, giảm mỡ trong cơ thể, cách duy nhất là duy trì vận động, tăng cường ăn nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế tinh bột, đồ ngọt, những món kém lành mạnh… Nói chung là cơ thể mỗi người cần có chế độ ăn uống và vận động hợp lý, bắt buộc phải tạo ra tình huống thiếu hụt năng lượng.

Đốt mỡ theo cơ chế insulin: Chuyên gia chỉ ra sự thật - Ảnh 3.

Bạn có thể ăn vặt mà vẫn đảm bảo cân nặng hợp lý, miễn là những món ăn vặt đó lành mạnh. Những món ăn vặt như sữa chua Hy Lạp, sinh tố rau xanh, trái cây ít ngọt… đều là những lựa chọn tuyệt vời. Vấn đề ở đây là ăn vặt lành mạnh chứ không phải cứ cắt bỏ ăn vặt hoàn toàn sẽ giảm mỡ cũng như không phải cứ ăn vặt vào là insulin tăng lên, không giảm được cân nặng.

3 điều tuyệt đối không làm để đốt mỡ hiệu quả

1. Nhịn ăn

Việc nhịn ăn không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn làm cơ bắp nhũn nhão, dễ mắc bệnh. Do đó, muốn giảm cân lành mạnh, đốt mỡ nhanh mà không lo tác dụng phụ, chị em tuyệt đối không nên làm điều dại dột này.

2. Ăn nhiều thực phẩm chiên rán

Đồ ăn nhiều dầu mỡ nói chung không tốt cho hành trình giảm cân, nhất là khi bạn ăn nhiều, ăn quá thường xuyên. Thay vì ăn ở dạng chiên rán, bạn nên chuyển sang cách chế biến lành mạnh hơn như luộc, hấp... khi mình đã có tuổi.

3. Uống nước ngọt, nước có ga

Nước ngọt, nước có ga vốn là thủ phạm gây béo bụng, làm mỡ nội tạng tăng nhanh. Do đó, muốn giảm cân, tăng cơ, chị em nhớ tránh xa loại đồ uống này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn