Nhầm lẫn và rút kinh nghiệm
Trong 2 vụ án gần đây nhất mà chúng tôi theo dõi, đều chứng kiến sự khác biệt về kết luận giám định y khoa. Chính vì sự tôn trọng dành cho giới chuyên môn, cũng như các quy định riêng biệt trong giám định y khoa, mà báo chí và dư luận chỉ biết đặt dấu chấm hỏi về những sự khác biệt ấy. Rất khó để đi tới tận cùng vấn đề vì sao lại sai sót, vì sao lại có sự chênh lệch về kết quả giám định?
Ở vụ án bé Đinh Min H. tại Biên Hòa, Đồng Nai, bị người bà con tên Vũ Đạt hành hung, ban đầu Trung tâm Pháp y Đồng Nai đưa ra kết luận giám định thương tích cho cháu bé là 15%. Tuy nhiên sau đó, chính cơ quan này có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh này và Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa, cho rằng có sự "nhầm lẫn".
Cụ thể, ngày 26/9/2018, Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã nhận được Quyết định trưng cầu giám định số 608/CSĐT ngày 18/9/2018 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, yêu cầu giám định tỷ lệ thương tích và vật gây thương tích đối với cháu Đinh Min H., sinh ngày 1/9/2005, trú tại P.Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tài liệu kèm theo Quyết định này là Giấy chứng nhận thương tích số 14/BVNĐ ngày 31/8/2018 của Bệnh viện Nhi đồng tỉnh và gia đình cung cấp thêm bản photo số khám bệnh của bệnh nhân Đinh Min H. tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM.
Căn cứ trên các giấy tờ y tế liên quan, thể hiện sự logic trong quá trình diễn biến bệnh và kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với bệnh nhân Đinh Min H.: tổn thương chấn động não để lại di chứng rối loạn tâm thần hội chứng suy nhược điều trị ổn, tỷ lệ 15%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 15%.
Ngày 23/12/2019, Trung tâm Pháp y Đồng Nai lại gửi văn bản mang số 519B/TTPY/2019 ngày 23/12/2019 về việc đính chính Bản kết luận giám định Pháp y của cháu Đinh Min H. Theo đó, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 5%. Văn bản cho biết: "Theo Kết luận nội dung đơn tố cáo của Sở Y tế Đồng Nai về trường hợp giám định thương tích đối với tổn thương của ông N.T.V là chưa đúng nên Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã tiến hành rà soát lại những trường hợp đến giám định mà có tổn thương là "chấn động não", ngày 23/12/2019 Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã phát hiện Bản kết luận Giám định Pháp y về thương tích số 0765/TgT/2018 ngày 16/10/2018 có sự nhầm lẫn trong nội dung ở "PHẦN KẾT LUẬN". Vậy Trung tâm Pháp y Đồng Nai xin đính chính lại nội dung nhầm lẫn: Hội chứng suy nhược sau chấn động não đã điều trị ổn định (Áp dụng Chương 2, điều II, mục 2), tỷ lệ: 05%", văn bản của Trung tâm Pháp y đưa ra và xin "rút kinh nghiệm với nội dung nhầm lẫn trên".
Sau rất nhiều bài phản ánh của báo PNVN, thủ phạm hành hung trẻ em đã bị truy tố. Hiện vụ án đã có lịch đưa ra xét xử vào ngày 29/4 tới đây. Tuy nhiên, việc "nhầm lẫn và xin rút kinh nghiệm" của Trung tâm Pháp y Đồng Nai vẫn tồn tại ở đó.
Vụ án "Giao cấu với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" tại Bình Chánh, TPHCM, đang xôn xao dư luận bởi việc giám định tuổi của nạn nhân. Vụ việc xảy ra từ tháng 11/2019, bé Nguyễn Thị B. (sinh năm 2005) đã bị thợ sơn tên là N.N.Q gạ đưa vào khách sạn quan hệ tình dục sau bữa tiệc liên hoan. Bé B. sau đó về kể cho mẹ nghe Q. đã ép buộc bé. Gia đình B. đã đi trình báo công an xã Vĩnh Lộc. Vụ việc được chuyển lên công an huyện Bình Chánh.
Sau đó Cơ quan CSĐT công an huyện Bình Chánh đã đưa bé Nguyễn Thị B. đi giám định tuổi, dù bé B. đã có giấy khai sinh, thể hiện năm sinh là 2005. Nghĩa là thời điểm bé B. bị ép buộc quan hệ tình dục mới 14 tuổi. Thông báo Kết luận giám định số 157A của cơ quan này cho biết, quá trình khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng chứng tỏ hiện tại bé B. có độ tuổi từ trên 17 đến gần 17 tuổi 6 tháng. "Như vậy tại thời điểm bị cho là bị xâm hại thì B. đã hơn 17 tuổi", thông báo Kết luận giám định khẳng định.
2 Thông báo Kết quả giám định của Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) cho thấy sự khác nhau
Nhưng mới đây nhất, Thông báo Kết luận giám định số 482 lại cho biết, bản Kết luận giám định lại số 37.B/ĐT.19-20 ngày 11/3/2020 của Trung tâm Pháp y TPHCM về độ tuổi đối với Nguyễn Thị B, sinh năm 2005, hộ khẩu thường trú tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp: vào ngày 17/11/2019, B. có độ tuổi trên 14 tuổi 9 tháng, dưới 15 tuổi 4 tháng.
Dựa vào Kết quả giám định này, Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam thủ phạm. Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đã được Viện KSND đồng cấp phê chuẩn. Vụ án đang được tiếp tục điều tra.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lo lắng và băn khoăn ở các kết quả giám định. Báo PNVN đã có nhiều bài viết cho thấy việc đi giám định tuổi của nạn nhân là không cần thiết khi nạn nhân đã có đầy đủ chứng minh nhân thân. Nếu cơ quan điều tra thấy cần thiết phải xác minh thêm thì cần khởi tố vụ án ngay thời điểm đó để thực hiện nghiệp vụ. Kết hợp việc lấy thông tin từ giấy chứng sinh của bệnh viện, các thông tin khác như ngày tháng năm sinh của anh ruột nạn nhân, lời khai của bà mẹ..., đã đủ khẳng định về tuổi chính xác của nạn nhân. Song, cơ quan điều tra lại không khởi tố vụ án ngay thời điểm đó, không điều tra, xác minh, mà chỉ đưa nạn nhân đi giám định với kết quả chênh lệch với tuổi thực của nạn nhân rất nhiều. Điều này đã khiến việc xử lý vụ án và định tội danh chậm trễ và không chính xác, khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự minh bạch của các cơ quan liên quan. Nếu báo chí không giám sát và điều tra, phản ánh sự việc này, thì vụ án đã có nguy cơ "chìm xuồng", gây phẫn nộ cho nạn nhân và gia đình. Trong khi đó, nạn nhân là trẻ em, là đối tượng cần được cả xã hội chăm sóc và bảo vệ.
Sự im lặng kéo dài?
Với vụ việc mẹ kế đánh con chồng tại Lộc Ninh, Bình Phước, từ 5 năm trước, việc giám định thương tích đã rõ ràng, sau đó lại có thay đổi mà không thông báo tới gia đình nạn nhân. Cơ quan CSĐT đến tận thời điểm này vẫn không khởi tố vụ án. Đây là một sự việc gây ngạc nhiên cho rất nhiều người am hiểu pháp luật.
Như báo PNVN đã đưa tin, cháu Lê Thị Thanh Thảo, sinh năm 2001 (trú tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), bị mẹ kế là Nguyễn Thị Mai đánh ngày 19/12/2015 với giám định thương tật 22%. Gia đình Thảo đã trình báo Công an địa phương.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh ngày 6/9/2016 đã Thông báo về kết quả giải quyết Đơn tố cáo của công dân. Theo đó, mặc dù cơ quan này đã tiến hành điều tra xác minh theo nội dung Đơn tố cáo của gia đình cháu Thảo, tuy nhiên, trong quá trình điều tra thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của Lê Thị Thanh Thảo và Nguyễn Thị Mai, do vậy cơ quan CSĐT chưa có cơ sở để xử lý vụ việc này.
Tiếp theo, vào ngày 13/6/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh đã gửi Công văn số 203 CV - CSĐT (ĐTTH) V/v giải quyết đơn tố cáo của công dân. Theo đó, trong quá trình xác minh điều tra, Cơ quan này đã trưng cầu Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước giám định thương tích của bị hại Lê Thị Thanh Thảo. Kết quả giám định xác định bị hại Thảo bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 22% (trong đó chấn thương cổ chân phải gãy xương sên phải, hạn chế vận động cổ chân phải là 20%; sẹo mờ thái dương kích thước 0.7x0.5 cm lành tốt là 1%; sẹo 1/3 dưới - trước - trong đùi trái kích thước 2x1 cm lồi là 1%). Tuy nhiên, trong quá trình điều tra gặp phải một số khó khăn như vụ việc xảy ra đã lâu, không có người chứng kiến, lời khai của bị hại và bà Mai có nhiều mâu thuẫn về nơi xảy ra vụ việc, diễn biến hành vi. Cơ quan CSĐT đã tiến hành đối chất, thực nghiệm điều tra và các biện pháp điều tra khác nhưng không làm rõ được mâu thuẫn, không xác định được sự thật của vụ việc.
Ngày 15/3/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh đã ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 68/QĐ Trưng cầu trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước giám định cơ chế hình thành vết thương ở thái dương trái và vết thương ở đùi trái của Lê Thị Thanh Thảo. Bản giám định bổ sung này, gia đình cháu Thảo không được biết.
Tới ngày 22/2/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh đã ra Quyết định số 10/QĐ-CSĐT về việc không khởi tố vụ án hình sự bà Nguyễn Thị Mai đánh gây thương tích cho cháu Lê Thị Thanh Thảo. Theo đó, Cơ quan này cho rằng "không có sự việc phạm tội" vì vậy không khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố bị can Nguyễn Thị Mai về hành vi Cố ý gây thương tích cho người khác theo Quy định điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Giám định y khoa là cơ sở khoa học để cơ quan công quyền kết tội thủ phạm, bảo vệ nạn nhân. Song, không rõ vì các nguyên nhân gì mà kết quả lại sai lệch, hoặc ít giá trị trong việc xử lý vụ việc.
Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì sự khách quan trong xử lý các vụ án bị tác động nghiêm trọng. Những lời xin lỗi và rút kinh nghiệm quen thuộc, khiến nạn nhân, đặc biệt là các trẻ em cảm thấy tổn thương sâu sắc và bị đẩy vào sự yếu thế, không được bảo vệ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn