Giảm nghèo bền vững: Sự chung tay của những người phụ nữ

14:21 | 26/09/2022;
Được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để là du lịch sinh thái, những người phụ nữ tại huyện nghèo A Lưới (Thừa Thiên, Huế) suốt ngày quanh quẩn nơi nương rẫy đã biết nuôi ước mơ, vươn lên thoát nghèo.

A Lưới là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh. Dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng những năm qua, A Lưới vẫn là huyện nghèo.

Ngày 22/7/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Theo Quyết định trong 22 huyện nghèo được hỗ trợ có huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo quy định tại Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trong phạm vi Quyết định này được hỗ trợ bổ sung trực tiếp nội dung sau: Hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm và duy tu, bảo dưỡng một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn huyện nghèo phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ năm 2022 đến năm 2025.

Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là 1 trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thuộc diện được nhận hỗ trợ.

Xác định mục tiêu quan trọng bậc nhất của A Lưới là giảm nghèo bền vững và nhiệm vụ căn cơ nhất là phải nâng thu nhập, điều kiện, đời sống cho người dân,  tại địa phương đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, trước hết là thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm, cách triển khai, phải tự vươn lên bằng chính nguồn nội lực, tập trung vào những lĩnh vực là thế mạnh của địa phương của địa phương để giảm số hộ nghèo của huyện.

Giảm nghèo bền vững: Sự chung tay của những người phụ nữ  - Ảnh 2.

Tại Hội nghị sơ kết công tác giảm nghèo bền vững 9 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%.

Nắm bắt cơ hội để thoát nghèo

Cuộc sống hiện nay của chị Hồ Thị Chiu (làng A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới), một người mẹ 3 con đã "dễ thở" hơn xưa rất nhiều. Nếu như trước đây, cuộc sống của chị chỉ quanh năm ngày tháng là nương, là rẫy, kinh tế thiếu thốn; thì giờ đây, buổi tối, chị có thêm một công việc - đó là  tham gia vào đội dịch vụ, hoặc tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Chị đã có thêm tiền để mua sách vở, sắm quần áo mới, mua thức ăn ngon cho các con.  

Làng du lịch cộng đồng A Nôr hình thành cách đây 3 năm. Du lịch vẫn còn là một khái niệm còn xa lạ với bà con vùng cao A Lưới do không hiểu và không biết cách làm. Lúc mới đầu, các hộ dân đặc biệt là các chị em người dân tộc Pa Kô bỡ ngỡ, ngượng ngùng lắm. Nhưng rồi dần dần, họ đã làm quen với những kỹ năng tổ chức sự kiện cộng đồng, phục vụ buồng phòng, giao tiếp với du khách. Ở đây có đội dịch vụ với 10 chị em phụ nữ. Hàng ngày, họ vẫn lên nương, rẫy. Khi khách du lịch đến tham quan và ở lại trong các homestay, muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm, đội dịch vụ sẽ hướng dẫn khách làm bánh A Quát, giã gạo, sàng gạo, xông răng, gội đầu bằng nước lá rừng, văn nghệ lửa trại giao lưu cộng đồng khi đêm xuống, chế biến các món ăn truyền thống cùng nhiều hoạt động khác mang đậm bản sắc văn hóa của người Pa Kô.

Qua các buổi tuyên truyền, các chương trình tập huấn, chị em còn được hướng dẫn kiến thức chung về marketing du lịch, được hướng dẫn thực hành tại chỗ các kỹ năng như quay phim, chụp ảnh, chỉnh sửa và dựng phim bằng phần mềm trên diện thoại di động, viết nội dung và đăng tải lên các nền tảng, như Facebook, TikTok…

Thu nhập từ du lịch góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nhiều phụ nữ dân tộc ít người ở vùng cao A Lưới đã chủ động, tích cực tham gia, đầu tư làm du lịch tạo sinh kế cho mình, cho phụ nữ và bà con trong làng, trong huyện.

Nhiều phụ nữ dân tộc đã chủ động, tích cực tham gia làm du lịch tạo sinh kế cho mình, vươn lên thoát nghèo

Đồng hành cùng phụ nữ A Lưới thoát nghèo

Tạo niềm tin và động lực cho người dân nói chung và phụ nữ dân tộc ít người tại A Lưới nói riêng, là sự chung tay vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương.

Để phát triển du lịch cộng đồng, Sở Du lịch phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn về du lịch, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với các chương trình về lao động và việc làm. Chị em phụ nữ dân tộc được tập huấn về cách phục vụ du lịch, từ dọn dẹp phòng ngủ, trải ga giường đến bày biện thức ăn. Cấp hội phụ nữ và ngành văn hóa thông tin cơ sở đã hỗ trợ chị em trong các hoạt động văn nghệ dân vũ để tự tin đưa giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc đến với du khách.  

Giảm nghèo bền vững: Sự chung tay của những người phụ nữ  - Ảnh 4.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để vươn lên thoát nghèo

Đặc biệt, cấp hội phụ nữ với việc triển khai thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" của Chính phủ, đã khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh; đẩy mạnh các các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong huyện giúp nhau khởi nghiệp.

Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ và sự chủ động tích cực học hỏi, mạnh dạn vươn lên, tự mình thay đổi cuộc sống của bản thân mình và gia đình, vị thế của phụ nữ tại huyện đã được khẳng định. Từ những hoạt động này đã tạo ra những thay đổi trong tư duy và phương pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, thu hút hàng nghìn gia đình hội viên phụ nữ ở A Lưới tham gia, tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 

Tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã biểu dương sự nỗ lực và những hoạt động sôi nổi, phong phú của hội phụ nữ trong thời gian qua và mong rằng Trung tâm Hỗ trợ phát triển và Khởi nghiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành địa điểm dạy nghề tin cậy của phụ nữ, qua đó hỗ trợ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt chú trọng giúp đỡ những phụ nữ khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn