Giảm nghèo bền vững từ cây quế hữu cơ

18:53 | 19/09/2019;
Người Dao ở Nậm Đét (Bắc Hà, Lào Cai) ví cây quế như “cây vàng”, trở thành một biểu tượng chung của xã, còn cấp ủy chính quyền địa phương nơi đây luôn coi cây quế là cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Từ một xã vùng sâu vùng xa, thuộc diện khó khăn.. Nậm Đét hôm nay đã vươn mình “trỗi dậy” sau lộ trình 10 năm xây dựng NTM, đã đạt 19/19 tiêu chí và vừa vinh dự được UBND tỉnh Lào Cai công nhận là xã thứ 4 của huyện Bắc Hà đạt chuẩn NTM. Vui mừng trước sự chuyển mình, đổi thay của quê hương, bà Triệu Thị Ghến - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét - phấn khởi cho biết: “Thành quả đó có đóng góp rất lớn từ cây quế, nhất là trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó về hộ nghèo và thu nhập, đặc biệt việc đảm bảo quy trình sản xuất “quế hữu cơ” từ HTX quế hữu cơ Nậm Đét (thành lập cuối năm 2018) đã giúp xã Nậm Đét có một sản phẩm chủ lực, giàu lợi thế so sánh, từ đó đã tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho người dân, giúp xã vươn lên bằng chính nội lực…”.

 

cay-que-4.JPG
 

Thực hiện chương trình OCOP - “mỗi làng, xã một sản phẩm”, xã Nậm Đét đã chọn Sản phẩm “Quế hữu cơ” để đăng kí thực hiện và tích cực tập hợp các tổ, nhóm cùng sở thích trồng quế, thành lập HTX Quế hữu cơ Nậm Đét. Đến nay, HTX này hoạt động tích cực, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng, liên kết tiêu thụ sản phẩm ngành hàng quế, đi đầu trong việc sơ chế để nâng tầm giá trị từ cây quế địa phương.

Dù mới thành lập song HTX quế hữu cơ Nậm Đét đã rất tích cực trong việc bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Nổi bật nhất, là việc đã xây dựng thành công chứng nhận “Quế hữu cơ quốc tế”. Đây được xem như “giấy thông hành” để các sản phẩm quế Nậm Đét “vươn xa” chiếm lĩnh các thị trường khó tính trong nước, quốc tế.

Ông Nguyễn Tiến Hồng - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà - cho biết: “HTX quế hữu cơ Nậm Đét được xác định là chủ thể “đủ mạnh” trong việc liên kết, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm ngành hàng quế, có thể đảm nhận việc phát triển sản phẩm OCOP - “Quế hữu cơ Bắc Hà”

Chia sẻ về hoạt động của HTX, Anh Triệu Phúc Vầy- Giám đốc HTX Quế hữu cơ Nậm Đét, cho biết: “Để phát huy hiệu quả, Ban quản trị HTX luôn xác định việc quan tâm đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, Đơn vị đã tăng cường đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ vào quá trình chế biến với 12 loại sản phẩm quế có chất lượng cao, như: Quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm, tinh dầu quế...Đây đều là các SP có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường với giá bán cao, ổn định.”

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ quế lớn, nên đầu ra cho cây quế của Nậm Đét nói riêng, huyện Bắc Hà nói chung rất thuận lợi. gần 2 năm qua, HTX quế hữu cơ Nậm Đét đã quan tâm mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất, liên kết Doanh nghiệp trong chế biến sản phẩm, đồng thời còn triển khai nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, như buôn bán Nông - Lâm sản nguyên liệu, trồng cây dược liệu, gia vị, trồng và chăm sóc rừng… nhờ đó đã tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 50 lao động địa phương lúc nông nhàn.

HTX quế hữu cơ Nậm Đét còn đẩy mạnh đào tạo, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, khai thác, chế biến quế theo tiêu chuẩn an toàn , sử dụng máy móc trong quá trình sơ chế. Khâu bảo quản sản phẩm cũng được giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cao. Ước tính, mỗi năm sản lượng vỏ quế tươi của HTX đạt gần 800 tấn, chế biến trên 40 tấn tinh dầu, có khoảng gần 500m3 gỗ quế. Hầu hết các sản phẩm từ quế của HTX đều được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung đông và các thị trường khó tính như Eu, Nhật Bản. Do vậy nguồn thu mang về là rất lớn.

 

cay-que-3.JPG
Nhờ cây quế, cuộc sống của người Dao Nậm Đét đã có nhiều đổi thay

 

Sau gần 2 năm thực hiện liên kết với người nông dân, đến nay diện tích quế của HTX đã lên tới trên 1.800ha, trong đó khoảng 1.200 ha đang cho thu hoạch, trên 500ha rừng quế được cấp chứng nhận “quế hữu cơ”. Hiện tại, HTX quế hữu cơ Nậm Đét đang liên kết sản xuất với gần 100 hộ dân người Dao địa phương. Chính từ việc chia sẻ lợi nhuận với nông dân, tạo nên sự hợp tác bền vững, đã  và đang tạo động lực để đồng bào nơi đây thêm mặn mà với cây quế và gắn bó với đồng đất quê hương mình. Chị Triệu Thị Khé, thôn Nậm Đét  phấn khởi, cho biết: “Khi tham gia làm thành viên HTX, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỷ mỉ cách trồng và chăm sóc cây quế để đảm bảo chất lượng quế sạch. Mọi quy trình từ trồng, khai thác đến chế biến quế đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo chuẩn hữu cơ quốc tế, nhờ đó giá bán vỏ quế đã cao hơn, không còn bị tư thương ép giá như trước đây nên gia đình rất phấn khởi”.

Dưới những tán quế xanh, diện mạo thôn quê Nậm Đét hôm nay đang “thay da đổi thịt” từng ngày với quyết tâm giữ chuẩn và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí đã đạt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn