Giảm nghèo bền vững từ mô hình liên kết trồng hồng đẳng sâm

15:33 | 14/11/2017;
Hồng đẳng sâm (Sâm dây) là loại dược liệu quý và được chọn là 1 trong 7 loại cây trồng chủ lực giúp người dân Tu Mơ Rông thoát nghèo và hiện tại là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum.

Với giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, nên nếu phát triển đúng hướng và có sự liên kết chặt chẽ trong giải quyết đầu ra sản phẩm thì Sâm dây không chỉ là mô hình thoát nghèo mà còn giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh Kon Tum chủ động xây dựng Tổ liên kết trồng Sâm dây ở thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông với 62 hộ gia đình hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã.

Đối tượng được chọn lựa để hỗ trợ thực hiện mô hình là phụ nữ trong độ tuổi lao động, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số có đất sản xuất. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc Sâm dây cho gần 110 phụ nữ tham gia; cung cấp giống Sâm dây bằng phương pháp hỗ trợ 1,5 triệu đồng/thành viên để chị em mua giống cây trồng.

Mô hình trồng sâm dây giúp chị em phụ nữ xã Tê Xăng thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Chị Y Bắp, Chủ tịch Hội LHPN xã Tê Xăng, không giấu được xúc động khi một mùa thu hoạch sâm dây nữa lại về, chị cho biết, từ khi mô hình được triển khai, phụ nữ trên địa bàn xã, chị em phụ nữ ai cũng phấn khởi. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, cây Sâm dây phát triển rất tốt. Tuy mới đi vào thu hoạch hơn 1 năm nay nhưng mô hình giúp các hộ gia đình tăng thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tháng.

Ghé thăm vườn sâm của gia đình chị Y Blen (thôn Đăk Viên), một màu xanh mướt phủ kín hết những khoảnh đất trống, chị Y Blen cho biết, với bà con vùng Tê Xăng này, Sâm dây không còn lạ, bởi đây là loại cây mọc tự nhiên trong rừng. Trước đây, nhiều thương lái tới thu mua nên bà con hay lên rừng đào về bán, không biết cách trồng và giữ giống như bây giờ. Sau khi được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình, chị em đã chủ động vào rừng tìm nguồn giống, tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt, học cách trồng Sâm dây xen lẫn cà phê, bời lời.

Xanh tốt vườn sâm dây của chị em phụ nữ thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng.

“Sâm dây thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, thu hoạch đến đâu thương lái đều thu mua hết đến đó. Trung bình giá thị trường 100.000 đồng/kg sâm tươi, 400.000 đồng/kg sâm khô. Nhờ nguồn thu này đã giúp gia đình tôi và nhiều chị em không lo gánh nặng trả lãi vay ngân hàng, tiền điện, tiền mua sắm những vật dụng sinh hoạt trong gia đình… cũng đều nhờ đến Sâm dây”, chị Y Blen tâm sự.

Ngoài thành công của mô hình Tổ liên kết trồng Sâm dây của 62 hội viên, phụ nữ xã Tê Xăng, từ nguồn vốn của Trung ương Hội, năm 2013, mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng Sâm dây cũng đồng thời được Hội LHPN tỉnh Kon Tum triển khai tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) với 39 gia đình hội viên, phụ nữ. Đến nay, một số hộ gia đình tham gia mô hình đã mở rộng diện tích trồng Sâm dây và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn