Giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn: Cán bộ, công chức đi tiên phong

08:43 | 07/12/2022;
Một trong những giải pháp mới trong phát triển kinh tế ở Xuân Lập là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức xã sẽ là người tiên phong thực hiện các mô hình mới. Khi thấy có hiệu, họ quả sẽ hướng dẫn bà con thực hiện theo.

Thay đổi tư duy    

Năm 2018, sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình anh Giàng Seo Cuội (thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) đã tu sửa lại chuồng trại chăn nuôi và mua được 1 con trâu cái sinh sản. Sau nhiều năm tập trung chăm sóc tốt, đến nay con trâu cái đã sinh sản được 3 con. Sau một thời gian chăm sóc, gia đình anh đã bán trâu trưởng thành. Số tiền bán trâu giúp gia đình anh trả hết nợ, làm được nền nhà, nhà vệ sinh đạt chuẩn và còn một số tiền làm vốn phát triển kinh tế.

Giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn: Cán bộ, công chức đi tiên phong  - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi dê của người dân xã Xuân Lập

Tương tự, cuối tháng 3/2021, gia đình anh Lò A Phong (dân tộc Mông, thôn Nà Co, xã Xuân Lập) được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay 50 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, gia đình anh còn mua thêm được con trâu về nuôi nhốt vỗ béo. Đến nay, gia đình anh đã nuôi 5 con trâu nhốt vỗ béo, được chăm sóc tốt. Dự kiến, số trâu nuôi này sẽ giúp gia đình anh có thêm nguồn thu nhập ổn định từ mô hình này. 

Giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn: Cán bộ, công chức đi tiên phong  - Ảnh 2.

Một góc trung tâm xã Xuân Lập

Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc Mông ở xã Xuân Lập thường quen với tập quá du canh du cư, phát rừng làm nương rẫy thì nay, tất cả đã thay đổi. Bà con không còn phá rừng để làm nương mà tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng. Anh Giàng Seo Lèng (xã Xuân Lập) cho biết, nhờ duy trì chăm sóc, bảo vệ gần 1ha rừng mà gia đình không còn cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt. Nhận thấy hiệu quả mà rừng đem lại, anh đã tích cực vận động bà con trong bản trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Cũng vì thế, diện tích rừng ở Xuân Lập đã tăng nhanh. Hiện nay, ở Xuân Lập có trên 100ha rừng đang được bà con chăm sóc, bảo vệ và phát triển.

Giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn: Cán bộ, công chức đi tiên phong  - Ảnh 3.

Người dân Xuân Lập chăm sóc và bảo vệ rừng

Được biết, hiện nay ở Xuân Lập đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, từ trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng đến làm du lịch. Chính quyền địa phương cũng đã quy hoạch vùng sản xuất có quy mô lớn, bao gồm vùng trồng cây ăn quả, dịch vụ du lịch để phát triển kinh tế địa phương. Chính quyền địa phương cũng đã linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, tạo điều kiện để bà con tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cán bộ, công chức làm gương

Ông Hoàng Văn Dềnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, Xuân Lập là một trong những xã nghèo của huyện Lâm Bình với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày... Do trình độ dân trí thấp, nên đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 80%.

Giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn: Cán bộ, công chức đi tiên phong  - Ảnh 4.

Người dân xã Xuân Lập giao lưu, trao đổi hàng hóa tại chợ trung tâm

Theo ông Dềnh, ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa xã Xuân Lập thoát khỏi xã nghèo. 

Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lập tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng có điều kiện lợi thế. Ví như, duy trì và phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa bằng hình thức chăn dắt, kết hợp trồng cỏ để làm thức ăn cho gia súc và chăn nuôi dê tại các thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng, Nà Lòa; tiếp tục khuyến khích người dân trồng rừng. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, hiệu quả sản phẩm cho bà con nông dân.

Ông Dềnh cho biết, một trong những giải pháp mới của địa phương trong phát triển kinh tế là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức xã sẽ là người thực hiện trước các mô hình mới. Khi thấy có hiệu quả sẽ hướng dẫn, giúp đỡ bà con thực hiện làm theo. Cùng với đó, xã Xuân Lập tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân.

Giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn: Cán bộ, công chức đi tiên phong  - Ảnh 6.

Phụ nữ dân tộc Mông ở Xuân Lập

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, hiện nay cấp ủy, chính quyền xã Xuân Lập cũng đang tập trung thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn; đồng thời, rà soát các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thế mạnh ở địa phương. "Nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của các hộ gia đình trên địa bàn đã từng bước ổn định và nâng cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ bà con để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo", ông Dềnh nói. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn