Ngày 9/2, bác sĩ Bùi Thị Dương Thảo, Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, (BV Đa khoa Hà Đông, Hà Nội), cho biết, BV vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị L. (sinh năm 1958, Q.Hà Đông, Hà Nội) bị uốn ván do giẫm phải đinh.
Trước đó, bệnh nhân vào khám trong tình trạng tỉnh táo, khỏe mạnh, nuốt khó, khó mở rộng miệng. Khi khai thác kỹ tiền sử, người bệnh cho biết hơn 10 ngày trước có giẫm phải một chiếc đinh cũ, do chủ quan thấy vết thương nhỏ lành miệng sớm nên không để ý.
Sau khi thăm khám triệu chứng thực thể về dấu hiệu cứng hàm, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị uốn ván, một căn bệnh nguy hiểm đang ở giai đoạn sớm ủ bệnh. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển sang khoa Cấp cứu. Sau khi xử lý ban đầu, bệnh nhân được chuyển ra BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Tại đây các bác sĩ cho biết nếu để chậm 1 đến 2 ngày thì nguy cơ tử vong của bệnh nhân là rất cao.
Những ngày đầu mới vào BV Bệnh nhiệt đới TƯ, bệnh nhân trong tình trạng nặng có nhiều cơn co giật, chân tay không cử động được, đại tiểu tiện qua sonde. Qua quá trình điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo, hết co giật, chân tay đã cử động được. Dự kiến, khoảng vài ngày nữa bệnh nhân có thể xuất viện được về nhà.
Theo các bác sĩ uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra ngay cả khi vết thương đã lành. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao (25% - 90%). Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.
Bác sĩ Thảo khuyến cáo, dù vết thương rất nhỏ như trầy xước da, đứt tay, côn trùng cắn, giẫm phải đinh... nhưng nếu chủ quan và xử lý ban đầu không tốt thì tỷ lệ nhiễm trùng do uốn ván rất cao. Vì vậy, người dân hãy cảnh giác trước những triệu chứng có thể rất thông thường nhưng lại là khởi đầu của căn bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến chết người nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời của bác sĩ chuyên khoa.
Để phòng bệnh, phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván để phòng uốn ván khi sinh. Đưa trẻ nhỏ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng bệnh. Khi bị vết thương, đặc biệt vết thương bẩn cần xử lý đúng cách, rửa vết thương bằng nước sạch để trôi chất bẩn; rửa lại vết thương bằng nước oxy già từ 3-4 lần; sát trùng bằng cồn iod tại vết thương và quanh vết thương; dùng băng vô khuẩn để băng vết thương, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn