Dành thời gian, công sức vì an toàn bữa ăn của con
Trong rất nhiều vụ việc liên quan đến an toàn bữa ăn học đường, tình trạng học sinh tiêu chảy, ngộ độc từ thức ăn ở trường, có không ít vụ do chính phụ huynh phát hiện, đưa lên mạng xã hội để cảnh báo hoặc mạnh dạn chủ động mời báo chí vào cuộc. Điều này cho thấy sự bài bản, quyết liệt của nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh. Có thể thấy, nếu kiên quyết đấu tranh đến cùng, hiệu quả sẽ thể hiện rõ, mà rõ nhất chính là việc cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Vụ việc tại trường Tiểu học Chu Văn An (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây đã cho thấy bước đầu sự chủ động của phụ huynh. Cụ thể, ban phụ huynh trường này đã chủ động đề xuất được phối hợp với nhà trường kiểm tra thực phẩm đầu vào hằng ngày. 38 lớp học, mỗi lớp cử đại diện 1 phụ huynh tham gia giám sát vào 6h sáng hằng ngày, hình thức là đánh giá thực phẩm sau quan sát. Việc làm này được thực hiện từ ngày 20/3/2019, sau loạt lùm xùm trẻ bị ngộ độc do thực phẩm tại trường. Và đến ca kiểm tra sáng 3/4, chính các phụ huynh đã phát hiện thịt gà bốc mùi với số lượng lên tới 35kg.
Cách làm của phụ huynh trường Tiểu học Chu Văn An như trên được cho là bài bản, có hệ thống, có sự vào cuộc đồng đều của đại diện phụ huynh tất cả các lớp. Dẫu phụ huynh phải dành thêm thời gian, công sức, song thành quả được đền đáp không hề nhỏ khi khâu kiểm soát thực phẩm được chặt chẽ hơn. Chị Thu Ngân có con học lớp 1 tại trường Tiểu học Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, bản thân chị đánh giá cao vai trò của phụ huynh trường Chu Văn An.
“Trường này quy mô lớn, học sinh lên đến cả ngàn cháu, nói thật là không thể không triển khai thực hiện. Dù khó nhưng tôi nghĩ cha mẹ làm được như vậy là rất hoan nghênh. Bản thân tôi cũng muốn trường con mình học làm được như thế. Nếu trường tổ chức giám sát thì tôi sẵn sàng tham gia!”, chị Ngân quả quyết.
Về điều này, anh Trần Thanh Sơn - phụ huynh học sinh lớp 5A6 (trường Tiểu học Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) - cho biết, Ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất với nhà trường có kế hoạch cụ thể để từng lớp tham gia việc giám sát bữa ăn bán trú của con. Các thành viên luân phiên tham gia tất cả khâu tổ chức bữa ăn bán trú, như: Tiếp nhận thực phẩm, kiểm tra bếp ăn, nguồn nước, dụng cụ chia đồ ăn...
“Thậm chí chúng tôi còn tiến hành kiểm tra đột xuất và đều thấy an tâm trước quy trình vận hành của bếp. Hơn nữa, bữa cơm bán trú còn có giáo viên cùng ăn nên tin tưởng hơn vào chất lượng”, anh Sơn chia sẻ.
Cần sự chủ động từ 2 phía
Để việc giám sát hiệu quả bữa ăn bán trú, rõ ràng sự chủ động không chỉ đến từ phụ huynh mà chính nhà trường cũng cần chủ động phối hợp để tăng hiệu quả và niềm tin cho phụ huynh. Cung cấp bữa trưa, quà chiều cho hơn 1.400 học sinh và hơn 100 giáo viên, bếp ăn của trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) được Ban Giám hiệu chủ động phối hợp với phụ huynh trong khâu giám sát.
Để đảm bảo công tác bán trú được thực hiện nghiêm túc, Ban giám hiệu nhà trường đã vận động cha mẹ học sinh phối hợp cùng theo dõi, cử đại diện tham gia quá trình giao nhận và chế biến thực phẩm. Từ 6h30 hằng ngày, đoàn xuống bếp ăn kiểm tra chặt chẽ việc tiếp nhận, chế biến thực phẩm và sổ lưu 3 bước...
“Chúng tôi mong muốn các Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia tích cực hơn vào quá trình giám sát vấn đề an toàn thực phẩm, chăm sóc bán trú cho học sinh”, bà Huỳnh Thị Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Thái Tổ, nhấn mạnh.
Còn tại trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội), nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường, đã trực tiếp viết thông báo gửi tới phụ huynh để họ yên tâm rằng nhà trường sẽ luôn thực hiện quy trình nghiêm ngặt tất cả các khâu trong bữa ăn học đường. Về khâu kiểm định, nhà trường không tự làm việc đó mà phối hợp với Phòng Y tế của quận. Hằng ngày, nhân viên của Phòng Y tế phối hợp với nhân viên chuyên trách của trường kiểm định kỹ lưỡng tất cả thực phẩm nhập về bếp ăn.
“Bếp ăn trường là bếp ăn lớn, cung cấp hàng nghìn suất ăn mỗi ngày cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Việc đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà trường đặc biệt quan tâm”, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang nói.
Mặc dù số lượng những trường học như vậy chưa nhiều nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả khi có phụ huynh tham gia giám sát, cùng với đó là sự chủ động của nhà trường. Đây cũng là cách làm cần được nhân rộng. Điều này được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, về nguyên tắc, ban đại diện cha mẹ học sinh nằm trong bộ phận giám sát bữa ăn học đường, giám sát việc giao nhận thực phẩm, hoặc các suất ăn chế biến sẵn. Mỗi nhà trường sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm phù hợp với quy định chung về an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu của từng trường trên cơ sở được sự nhất trí của ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh, thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng như ngành Giáo dục cần có cơ chế cụ thể về việc giám sát này.