Giảm tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da nhờ dầu nụ tầm xuân

09:05 | 06/05/2023;
Dầu nụ tầm xuân (hay dầu tầm xuân) được biết đến là một loại tinh dầu có tác dụng trên hầu hết mọi loại da.

Mùa hè đến cùng ánh nắng mặt trời gay gắt, bên cạnh việc che chắn khi ra ngoài và bôi kem chống nắng đầy đủ thì việc chăm sóc da sau khi về nhà cũng đóng vai trò quan trọng để bạn có một làn da đẹp "không tuổi".

1. Dầu nụ tầm xuân là gì?

Dầu nụ tầm xuân hay còn gọi là dầu hạt quả tầm xuân, được chiết xuất từ bụi cây hồng dại. Loại cây này được trồng ở rất nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Châu Âu và Nam Phi.

Quả tầm xuân khi chín thường được thu hoạch về làm thuốc và dầu tầm xuân là một thành phần phổ biến trong ngành công nghiệp chăm sóc da hiện nay nhờ lợi ích dưỡng ẩm và chống lão hóa.

"Ngoài vitamin C và vitamin A thì dầu nụ tầm xuân với hàm lượng cao các axit béo thiết yếu, đặc biệt là omega-3 (axit linolenic) và omega-6 (linoleic), axit palmitic, axit gamma liolenic, dầu hạt tầm xuân có thể làm mềm da hiệu quả và cải thiện chức năng hàng rào bảo vệ da". 

Mặc dù chứa nhiều axit béo nhưng dầu nụ tầm xuân lại phù hợp với hầu hết các loại da, kể cả làn da bị mụn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự thiếu hụt axit linoleic có liên quan đến sự phát triển của mụn trứng cá.

Ngoài ra, dầu tầm xuân cũng là một nguồn cung cấp vitamin F dồi dào.

Giảm tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da nhờ dầu nụ tầm xuân - Ảnh 2.

Dầu nụ tầm xuân hay còn gọi là dầu hạt quả tầm xuân, được chiết xuất từ bụi cây hồng dại (Ảnh: ST)

2. Các lợi ích của dầu nụ tầm xuân

Dưới đây là các lợi ích của dầu tầm xuân đối với sức khỏe theo các bằng chứng từ nghiên cứu khoa học:

2.1. Đối với sức khỏe làn da

Dầu nụ tầm xuân giàu vitamin C hơn cam và chanh có đặc tính chống oxy hóa từ đó giảm được các tác hại của tia cực tím do các gốc tự do gây ra. Ngoài ra thì vitamin C trong dầu nụ tầm xuân cũng hỗ trợ sản xuất collagen giúp giảm nếp nhăn. Và cuối cùng, vitamin C còn làm tăng khả năng chữa lành vết thương và ngăn ngừa khô da hiệu quả.

Bên cạnh đó, dầu nụ tầm xuân còn giàu vitamin A, giúp:

- Giảm và đảo ngược tác hại của ánh nắng mặt trời

- Giảm nếp nhăn

- Giảm tăng sắc tố da

- Điều trị mụn trứng cá từ nhẹ tới trung bình nhờ chứa axit trans retinoic, một loại retinoid giúp cơ thể bạn điều chỉnh việc sản xuất các tế bào da mới. Khi các tế bào mới được sản xuất thường xuyên hơn, lỗ chân lông của bạn sẽ ít bị tắc hơn. Retinoids trong dầu tầm xuân có thể giúp làm sáng da, ngăn ngừa mụn đầu đen và giảm viêm.

Giảm tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da nhờ dầu nụ tầm xuân - Ảnh 3.

Dầu nụ tầm xuân giàu vitamin C hơn cam và chanh có đặc tính chống oxy hóa từ đó giảm được các tác hại của tia cực tím do các gốc tự do gây ra (Ảnh: ST)

Một số công dụng truyền miệng khác chưa có bằng chứng khoa học là dầu nụ tầm xuân làm giảm sự xuất hiện của sẹo và vết rạn da. Điều này có thể do hàm lượng vitamin A, vitamin E, vitamin C và axit béo trong đó.

Dầu nụ tầm xuân còn chứa vitamin E và anthocyanin - 2 thành phần giúp làm dịu và giảm kích ứng đối với người đang mắc các bệnh chàm và viêm da khác đồng thời vẫn giữ ẩm cho da đầy đủ.

2.2. Giảm đau xương khớp

Dầu tầm xuân là một phương thuốc dân gian hỗ trợ chữa viêm khớp và đau khớp. Viêm xương khớp xảy ra khi sụn ở đầu xương mòn đi. Theo một nghiên cứu năm 2008 thì dầu tầm xuân chứa polyphenol và anthocyanin có thể giúp cơn đau xương khớp giảm nhẹ hơn so với nhóm dùng giả dược mà không gây ra tác dụng phụ.

Chính nhờ lợi ích chống viêm này mà theo Healthline, dầu tầm xuân có thể trở thành một lựa chọn cho người không thể sử dụng thuốc chống viêm non-steroid hoặc các thuốc giảm đau khác.

Giảm tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da nhờ dầu nụ tầm xuân - Ảnh 4.

Dầu tầm xuân là một phương thuốc dân gian hỗ trợ chữa viêm khớp và đau khớp (Ảnh: ST)

3. Tác dụng phụ của dầu nụ tầm xuân

Tác dụng phụ tại chỗ của dầu nụ tầm xuân rất hiếm, các triệu chứng dị ứng có thể từ nhẹ tới trung bình có thể là:

- Phát ban, nổi mề đay

- Khó thở

- Tim đập nhanh

- Chóng mặt

- Ngứa, chảy nước mắt

- Thở khò khè

- Ngực khó chịu

- Sốc phản vệ.

Để hạn chế nguy cơ dị ứng bạn cần thử nghiệm một lượng nhỏ trên da trước khi sử dụng. Vị trí thử nghiệm có thể là cổ tay hoặc khuỷu tay. Sau đó bảo vệ lớp dầu thử nghiệm trong 24 giờ. Nếu không có tình trạng phát ban hay kích ứng xảy ra, bạn ít có khả năng bị dị ứng. Còn nếu có dấu hiệu phát ban, bạn cần rửa lại thật kỹ vùng da đó với nước sạch và nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn nên tới gặp bác sĩ để được tư vấn.

Giảm tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da nhờ dầu nụ tầm xuân - Ảnh 5.

Để hạn chế nguy cơ dị ứng bạn cần thử nghiệm một lượng nhỏ trên da trước khi sử dụng (Ảnh: ST)

Lưu ý, trong một số trường hợp lượng vitamin C dồi dào trong dầu nụ tầm xuân có thể không phù hợp với tình trạng sức khỏe dưới đây, bạn không nên sử dụng nếu không có sự chấp thuận từ bác sĩ do vẫn không rõ có bao nhiêu vitamin C được hấp thụ qua da của bạn:

- Bệnh tiểu đường: vitamin C có thể ảnh hưởng tới việc kiểm soát bệnh

- Sỏi thận: một lượng lớn vitamin C có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận

- Thiếu máu: vitamin C có thể ảnh hưởng tới việc cơ thể hấp thụ sẵn.

4. Cách sử dụng dầu nụ tầm xuân

Dầu nụ tầm xuân thường được sử dụng tại chỗ và có thể thêm vitamin E như một chất bảo quản tự nhiên. Bạn nên bảo quản dầu trong chai thủy tinh tối màu, tránh tiếp xúc với ánh sáng. Có một hướng dẫn chung là bạn nên bôi dầu 2 lần mỗi ngày như một loại tinh chất dưỡng ẩm hoặc bôi trực tiếp lên vùng da khô, sẹo hay vết rạn da.

Nếu băn khoăn bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe để xác định liều lượng phù hợp nếu muốn điều trị vết thương hay các tình trạng da khác như bệnh chàm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn