Em là Minh Ngọc, năm nay 30 tuổi và chưa lập gia đình. Em làm nhân viên kinh doanh đã hơn chục năm và gắn bó với trung tâm tiếng Anh này hơn nửa số thời gian đó. Công việc của nhân viên kinh doanh rất vất vả và cũng là một trong những thành phần chủ lực giúp đem lại doanh thu cho công ty. Trước đây, thu nhập của chúng em tương đối tốt nhưng từ khi có dịch Covid-19, em "sống dở, chết dở" với đồng lương ít ỏi của mình vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Hiện tại để đưa ra quyết định "đi hay ở?" với em thật sự quá khó khăn.
Em đang chăm sóc 1 cháu nhỏ của chị gái, vì hoàn cảnh nên chị ấy phải đi làm xa, đôi ba tháng mới về nhà thăm con được. Dù chưa lập gia đình nhưng em lúc nào cũng trong trạng thái "chăm con mọn". Lo lắng cho cháu từ ăn, mặc, học thêm, đến đưa đón, chu cấp học phí, tiền sinh hoạt... Cũng may có ông bà giúp nấu nướng, không thì em không có cả thời gian để hẹn hò. Nhiều người nói: "Cứ lấy chồng đi, để cháu đấy cho chị tự lo", nhưng nhìn chị công việc khó khăn, làm việc gần nhà thì bị chồng bạo lực, cuộc sống vô cùng khổ sở, nên em chỉ mong giúp chị ấy có thời gian tĩnh tâm, suy nghĩ tích cực để thay đổi cuộc sống.
Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, thời điểm này có lẽ là thời điểm có thu nhập tốt nhất của nhân viên kinh doanh như em. Nhưng bây giờ, gia đình nào cũng khó khăn, bố mẹ cho con đi học trung tâm cũng đắn đo, lượng học sinh giảm đáng kể. Thu nhập của em giảm đi, không đủ nuôi bản thân. Trong hoàn cảnh này, đến em còn cảm thấy chán chường, huống chi là các nhân viên trẻ tuổi hơn. Dù em có tỉ tê tâm sự, nói chuyện về hoàn cảnh của dịch bệnh và công ty nhưng có vẻ không thấm vào đâu. Có lẽ em đã làm không tốt công việc trưởng nhóm bán hàng của mình. Các em ấy chán nản, không còn hào hứng trong việc nghĩ ra các hoạt động để thu hút phụ huynh và học sinh, nên doanh số càng sụt giảm.
Trước tình hình khó khăn, em có đi học bổ sung và nhận làm thêm việc kế toán nội bộ cho công ty. Ban đầu, em nghĩ giám đốc sẽ cân nhắc việc này mà bổ sung phụ cấp cho em. Nhưng nửa năm nay, thu nhập của em không tăng thêm. Em rất đắn đo về việc nói chuyện với giám đốc về việc phụ cấp kế toán này, nó cần được tách riêng với lương kinh doanh, không thể đánh đồng và trừ định mức khi không đạt doanh số như đã tính. Nhưng trước đó em đã không đòi hỏi, nay công ty gặp khó khăn lại nhắc tới tiền bạc, khiến em rất khó nói với giám đốc.
Tuần trước, do tình hình kinh doanh quá khó khăn, giám đốc đã viết "tâm thư" cho chúng em. Những nỗi lòng của người "thuyền trưởng" trong giai đoạn "sóng gió" khiến ai đọc cũng phải đồng cảm. Tuy nhiên, bức thư lại đánh đúng vào tâm lý, chính là việc "Tết này bánh chưng không có nhân" khiến ai cũng lo lắng. Em vừa thấy thương giám đốc, vừa thấy thương bản thân và càng cảm thấy khó nói chuyện lương lậu với lãnh đạo trong giai đoạn này.
Em đã gắn bó với trung tâm này được hơn 5 năm, thời gian không quá nhiều nhưng cũng không ít để thấu hiểu những khó khăn của công ty cũng như nỗi lòng của giám đốc. Anh ấy thực sự có tâm với công việc và với chúng em. Em nên làm gì lúc này chị ơi?
Minh Ngọc (Hà Nam)
Quyết định mà em lựa chọn sẽ ảnh hưởng nhiều đến tương lai của em. Theo chị, việc đầu tiên em cần chia sẻ với giám đốc những suy nghĩ của bản thân. Em đã nhận được "tâm thư" của sếp thì cũng có thể trả lời lại bằng 1 "tâm thư". Thấu hiểu nhau là cách tốt nhất để cùng nhau đi đường dài. Chia sẻ với anh ấy những công việc mình đã thực hiện và những gì là phù hợp vào lúc này. Bởi chị nhận thấy, yêu cầu của em là hợp lý: Công việc kế toán cần được tách bạch với công việc kinh doanh và không thể đánh đồng cùng doanh số.
Ra đi bây giờ cũng là thời điểm nhạy cảm, cảm giác có lỗi với cơ quan cũ nhưng cũng khó có cơ hội tìm được việc tốt hơn. Tốt nhất là em nghĩ ra việc làm gì đó "cấp cứu" như bán hàng online hoặc nhận làm gia sư... Hi vọng mọi việc sẽ được giải quyết rõ ràng và chúng ta cùng vượt qua khó khăn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn