Giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng có ngăn được sự cố như SCB?

19:06 | 15/01/2024;
Khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB, bởi nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối.

Chiều 15/1, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông để hạn chế chi phối ngân hàng

Theo báo cáo giải trình tiếp thu về dự thảo luật, tỉ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%.

Tuy nhiên, giới hạn cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.Cổ đông sáng lập phải giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ của ngân hàng trong 5 năm từ ngày nhà băng được thành lập. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng. Chính phủ sẽ quy định mức sở hữu tối đa, điều kiện mua của nhà đầu tư ngoại.

Việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ đông sẽ giúp tăng số lượng các cổ đông, tăng tính đại chúng cũng như đa dạng cơ cấu cổ đông của các tổ chức tín dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: "Điều này phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025 để hạn chế chi phối, thâu tóm, bảo đảm tính đại chúng của tổ chức tín dụng".

"Chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ"

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng - cho rằng, mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn.

Tuy nhiên, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo mà "chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ". Đại biểu An nhấn mạnh, việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn dòng vốn ngoại tệ chảy vào hệ thống ngân hàng.

Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết.

"Khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối", nhấn mạnh điều này, đại biểu An đề nghị, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu, cần xem xét quy định thật chặt về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan.

Đồng thời, cổ đông cần có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.

Giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng thì có ngăn được sự cố Ngân hàng SCB?- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tiếp thu, giải trình

Phát biểu tiếp thu, giải trình tại cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, song nếu chỉ dựa vào một biện pháp thì không đủ, mà phải có sự thống nhất xuyên suốt và được tiến hành đồng bộ.

Ví dụ quy định mở rộng người có liên quan có xử lý được hết tình trạng sở hữu chéo, chi phối hay thao túng tổ chức tín dụng hay không?

"Như trường hợp SCB vừa qua, sở hữu cá nhân chỉ 5% nhưng nhờ người này, mượn danh người kia đứng tên. Vì vậy quy định trong luật không đủ, mà cả công tác tổ chức, triển khai thực hiện và phải giám sát tổ chức như đại biểu nói", ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn