Giảm tỷ lệ tin ‘bẩn’ trên mạng xã hội từ 30% xuống còn 10%

10:52 | 15/08/2019;
Mở đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, đại biểu đặt câu hỏi về thực trạng phức tạp của mạng xã hội khi cho rằng mạng xã hội bây giờ không còn là ảo nữa mà đã là thật, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tiếp tục ngày làm việc 15/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) – người đầu tiên mở màn phiên chất vấn, đã có câu hỏi gửi Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, liên quan đến mạng xã hội, sim rác.

Theo ông, mạng xã hội bây giờ không phải ảo mà là thật, diễn biến rất phức tạp, có tình trạng dùng ngôn từ chống phá, kích động, thông tin sai sự thật. Ngoài ra còn có đánh bạc, lừa đảo gây hiệu quả rất nghiêm trọng. Dù Chính phủ chỉ đạo, bộ, ngành có nhiều biện pháp ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ án, vấn đề trên vẫn còn nóng.

dinh-duy-vuot.jpg
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Lào Cai)

“Kết quả nổi bật, ấn tượng nhất từ khi Bộ trưởng trả lời chất vấn đến nay? Từng là lãnh đạo một nhà mạng lớn, Bộ trưởng có cam kết chấm dứt được tình trạng sim rác không? Khi nào sẽ có trang mạng xã hội uy tín thay thế trang mạng xã hội khác?” – đại biểu Đinh Duy Vượt chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau một năm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Bộ đã đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát an toàn mạng Quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng.

“Khả năng xử lý của trung tâm mỗi ngày khoảng 100 triệu tin, và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực. Trước đây, tỷ lệ tin tiêu cực trên 30% nhưng sau khi điều chỉnh chỉ còn dưới 10%”, Bộ trưởng Hùng cho hay.

Liên quan đến giải pháp kiểm soát các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Bộ trưởng TTTT thông tin, tỷ lệ thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý đã tăng từ 30-60% trước đây lên 70-80%.

Riêng với Apple, trước đây hầu như họ không thực hiện yêu cầu thì bây giờ tỷ lệ này đã đạt trên 70%.

nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng

Tư lệnh ngành thông tin truyền thông cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam để tránh việc toàn bộ những gì người Việt trao đổi, chia sẻ, mua bán được lưu trữ ở nước ngoài. “Giờ họ dùng thông tin đó để quảng cáo nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể ảnh hưởng vấn đề an ninh”, ông nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ngành thông tin truyền thông đang đặt mục tiêu các mạng xã hội trong nước sẽ có số người dùng tương đương mạng xã hội nước ngoài. Hiện các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu người dùng còn mạng xã hội nước ngoài khoảng 90 triệu. Dự đoán của ông Hùng là cuối năm 2020 hoặc trong năm 2021 có thể đạt được mục tiêu trên với tỷ lệ tăng trưởng hiện tại của các mạng xã hội trong nước.

Về vấn đề sim rác, Bộ trưởng Hùng cho biết, cơ bản đã loại bỏ nhiều sim không đủ thông tin nhưng thừa nhận còn tồn tại lượng sim rác lớn trên các kênh bán hàng. “Từ đây tới tháng 9 sẽ tập trung giải quyết sim rác trên kênh bán hàng bằng việc nhà mạng phải mua lại. Bộ sẽ giao trách nhiệm tới tổng giám đốc các công ty viễn thông. Nếu còn tồn tại sim rác, nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới như mobile money” – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Trước đó, đại diện Chính phủ thông tin với phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong lĩnh vực thông tin truyền thông, Chính phủ, Thủ tướng đã đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin. Xây dựng cơ chế phối hợp về đảm bảo an toàn thông tin mạng, xác định phạm vi, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn lực, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng như: Bảo vệ các lĩnh vực quan trọng; phòng, chống mã độc; giám sát an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử; ứng cứu khẩn cấp sự cố; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Đặc biệt, chủ động phát hiện và theo dõi nguồn phát tán thông tin trên mạng Internet.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng; thường xuyên nâng cấp, cải tiến Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng, kịp thời phát hiện các thông tin tiêu cực, trái chiều báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

“Ngoài ra, tăng cường trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, trái quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chủ động thực hiện các biện pháp chống tin giả, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng trong nhận biết thông tin giả mạo, sai sự thật” – ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Ngày 15/8, danh sách các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn gồm bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công Thương; Giao thông Vận tải; Ủy ban Dân tộc; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chọn bộ trưởng, trưởng ngành cụ thể nào để chất vấn mà sẽ chất vấn những vấn đề giám sát từ đầu nhiệm kỳ. Câu hỏi liên quan đến bộ trưởng, trưởng ngành nào thì người đó sẽ trả lời. 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn