Người mẹ ấy gọi điện cho Thanh Tâm vào thời điểm chị vừa từ phòng cấp cứu của bệnh viện trở về nhà. Con gái chị đã uống thuốc trừ sâu để tự tử nhưng không thành.
Khi nghe cô bé cầu cứu mấy người hàng xóm gọi nhau thất thanh, bắt taxi chở cô bé vào bệnh viện. Khi được bà tổ trưởng dân phố gọi điện báo tin dữ, mẹ cô bé bỏ dở việc đang làm ở công ty, khóc tức tưởi nhờ người chở đến bệnh viện. Thấy con nằm như một xác chết, trên mũi, trên tay chằng chịt ống thở và kim chuyền, chị lao đến khóc vật vã: “Con ơi, sao lại ra nông nỗi này”? Người bác sĩ già kéo tay chị đứng lên, nói: “Cháu đã qua cơn nguy kịch. Chị đừng làm cháu bị kích động trở lại, hãy để cho cháu được nghỉ ngơi”… Người mẹ cứ ngồi xệp trên sàn nhà như bất động, nắm lấy bàn tay con, nước mắt rơi lã chã. Suốt đêm chị vẫn ngồi như vậy, mặc cho người chồng đã nhiều lần nắm tay chị bảo hãy đứng dậy, hãy ngồi lên ghế hoặc hãy về nhà tranh thủ chợp mắt, để anh trông con gái cho. Nhưng chị vẫn cứ ngồi im như tượng gỗ. Cho đến chừng 6 giờ sáng, con gái chị tỉnh dậy, nó nhìn xung quanh ngơ ngác. Chị chồm người dậy ôm chầm lấy nó, miệng gọi cuống quýt: “Con ơi, con tỉnh rồi chứ? Con không chết chứ? Ôi con tôi!”. Nhưng con gái chị cố giằng tay mình ra khỏi tay mẹ, túm lấy bàn tay bố, khóc nấc lên: “Bố bảo mẹ về đi! Con không muốn gặp mẹ!”. Chị vẫn cố nắm lấy tay con gái không chịu buông ra, nhưng con gái chị hét lên: “Mẹ về đi!”. Và mặt nó méo xệch đầy đau đớn, tím tái, tay run bần bật. Người bố đành kéo mạnh vợ ra ngoài cửa nói: “Em về nhà đi, đừng làm con bị kích động. Nó còn yếu lắm!”...
Bà mẹ ấy kể lại chuyện xảy ra với con gái mình cho Thanh Tâm trong đêm hôm ấy. Chị thú nhận rằng mọi chuyện đến nông nỗi này có lẽ đều do chị. Hoặc là ông trời đã trừng phạt chị vì tội giận cá chém thớt. Vì thù hận người yêu Sở Khanh mà chị đã trút hận lên đầu đứa con gái tội nghịêp – hậu quả của tình yêu mù quáng đó suốt mười mấy năm qua. Đến mức con chị đã muốn tìm đến cái chết để giải thoát…
Khi 8 tuổi con từng hỏi dượng xem mẹ có phải là mẹ đẻ của mình không?
Từ khi con gái còn nhỏ, nhiều lúc thấy chị gằn hắt, đối xử thô bạo với nó, chồng chị (bố dượng của con gái chị) đã rất giận vợ. Anh nói con cái có tội tình gì mà trút giận lên đầu nó như thế? Khi vợ chồng chị có thêm đứa con trai, chị như dồn hết tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc cho nó, chẳng mấy khi đoái hoài đến con gái. Năm lên 8 tuổi, con gái chị đã hỏi người bố dượng mà lâu nay nó vẫn nghĩ đó là bố đẻ xem mẹ có là mẹ đẻ của nó không? Khi điều đó được người bố khẳng định thì chỉ ít lâu sau, từ những câu chuyện của người lớn trong nhà nó dần hiểu ra “lai lịch” của mình. Nó càng khẳng định được những gì đã nghe thấy vì thường xuyên nó bị mẹ mắng: “Rồi mày lại như cái thằng bố mày thôi. Thằng rác rưởi, thằng khốn nạn”! Chẳng biết từ khi nào nó sống thu mình lại, rất ít cởi mở với bạn bè, đặc biệt với bạn nam thì gần như nó không có quan hệ giao tiếp. Đến cuối năm cấp phổ thông cơ sở nó chỉ có một đứa bạn gái thân thiết nhất. Cô bạn mặc dù có vẻ ngoài mảnh khảnh, yếu ớt nhưng lại tỏ ra rất mạnh mẽ, luôn đứng ra bênh vực, che chở cho nó khi nó bị các bạn khác trêu chọc, chơi xấu. Rồi nó gắn bó với cô bạn như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau. Hai đứa còn rất hay gửi thư bỏ vào cặp sách cho nhau. Thậm chí còn gọi đùa nhau là “chồng yêu”, “vợ yêu”. Rồi có dư luận, những lời bóng gió của bạn bè gọi hai đứa là “pê đê”. Rồi một hôm cô giáo chủ nhiệm đã gọi mẹ nó lên gặp riêng, đưa cho mẹ nó lá thư với lời dặn dò hãy để ý xem liệu nó có biểu hiện lệch lạc về giới tính hay không. Rồi là sự tra hỏi, truy xét của người mẹ về việc tại sao hai đứa lại gọi nhau là chồng yêu vợ yêu? Hai đứa có làm chuyện gì bậy bạ không? Có biết như thế là xấu xa, bẩn thỉu không?... Quá uất ức, cô con gái gân cổ lên cãi lại mẹ. Rằng chúng nó gọi nhau như thế thì đã làm sao? Chúng nó yêu nhau, quý nhau thì đã làm sao? Rồi người mẹ tuyên bố: “Có sống tử tế thì hẵng sống, không thì chết quách đi, không thì đi mà tìm cái thằng bố rác rưởi của mày đi”! Và nó đã tìm đến cái chết…
Cô bé đã chọn cái chết để làm vừa lòng mẹ
Thanh Tâm thấy giận người mẹ đó vô cùng. Đương nhiên hậu quả đến với con gái chị là do chị gây nên. Do cả cô giáo chủ nhiệm đã không để tâm quan sát, gần gũi và tìm hiểu kỹ lưỡng về học sinh của mình trước khi trao đổi với các phụ huynh. Xem ra mỗi hành động dại dột của con trẻ đều có lý do, đều có những biểu hiện ra bên ngoài mà chỉ có những người làm cha mẹ quá vô trách nhiệm, thiếu lương tâm mới không nhận ra mà thôi. Xin hãy làm người cha, người mẹ đầy lương tâm và trách nhiệm với con cái mình để cuộc sống bớt đi những điều thật đáng tiếc, thật bất hạnh cho con trẻ. Chứ đừng chỉ biết oán trách con đã cướp công cha mẹ khi chuyện đã rồi.