Gian lận thi cử là một dạng thức của ‘tham nhũng quyền lực’

17:41 | 11/04/2019;
TS Vũ Đình Ánh cho rằng, trong vụ việc gian lận điểm thi trong kì thi THPT Quốc gia 2018, các thí sinh được nâng điểm hầu hết là con em của lãnh đạo đương nhiệm, do đó đây không thể xem là những vi phạm bình thường mà đó chính là một dạng thức tham nhũng quyền lực.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 11/4, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính đã lấy vụ việc gian lận trong thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La làm dẫn chứng về sự tinh vi của tham nhũng quyền lực mà hiện nay đang bị buông lỏng, khó kiểm soát.
 
ktnn.jpg
Ảnh: Vĩnh Sưởng.

 

“Gian lận thi cử vừa qua ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La chỉ là vi phạm hay tham nhũng quyền lực? Có bàn tay quyền lực can thiệp vào đó không? Không đơn giản mà người ta dám sửa từ 0,25 điểm lên 9 điểm được, không có bất cứ một học sinh giỏi nào có thể giải được bài toán này. Rõ ràng đây cũng chính là một dạng thức của tham nhũng quyền lực, nhưng nó tinh vi hơn chúng ta nghĩ nhiều”, TS Vũ Đình Ánh khẳng định.
 
Theo TS Vũ Đình Ánh, tham nhũng nhiều nhất hiện nay là ở lĩnh vực tài chính công, tài sản công, đặc biệt là việc tham nhũng quyền lực, đây chính là điều mà chúng ta thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ. “Cứ giữ cơ chế như hiện nay thì rất khó giám sát được”, ông Ánh nói.
 
Đồng quan điểm trên, ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, thực chất tham nhũng là xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực, không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra, tha hóa quyền lực là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng tồn tại, phát triển.
 
Theo ông Vinh, từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí, như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát…
 
“Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta sẽ không thể đạt hiệu quả. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực hiện rất nhiều công việc, rất nhiều biện pháp, trước hết cần công phá mạnh vào các vấn đề then chốt trong đó phải thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát”, ông Vinh nhấn mạnh.
 
Theo số liệu báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, tổng kết thanh tra trong thời gian qua, cơ quan này đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170.000 tỉ đồng, hơn 12.000 ha đất. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý nhà nước không còn phù hợp trên các lĩnh vực. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm, chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn