Gian nan đường đến trường mẫu giáo của cô và trò ở Buôn Chuối

11:47 | 12/11/2023;
“Những ngày trời mưa lớn, đường đến trường sình lầy, tôi phải đẩy xe mấy cây số đến phồng chân. Có lúc mệt quá chỉ muốn đứng giữa đường khóc nhưng nghĩ tới đám trẻ đang trông cô đến, tôi lại gắng đi tiếp”, cô Lê Thị Nga (giáo viên tại điểm trường mẫu giáo ở thôn Buôn Chuối, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) tâm sự.

Giáo viên bỏ tiền túi ra đóng trước học phí cho học sinh

Đồng hồ điểm 5 giờ sáng, cô Lê Thị Nga (32 tuổi, ngụ xã Mê Linh) đã thức giấc để chuẩn bị đến điểm trường Buôn Chuối (thuộc trường mẫu giáo Mê Linh). Điểm trường này nằm cách nhà cô khoảng 10km. Với cô, 10km không phải là quãng đường quá xa. Tuy nhiên, nhiều đoạn đường đến trường là đất đỏ, khá dốc. Trời nắng thì bụi, mưa lầy lội khổ trăm bề.

Cô Nga không thể đếm nổi số lần ngã xe hay xe bị hư ngay giữa đường mà xung quanh lại không có một tiệm sửa xe nào. Những ngày đường trơn trượt quá, cô phải gửi xe ở cổng chào thôn Buôn Chuối rồi "cuốc bộ" cả 3km để đến điểm trường. Khó khăn là thế nhưng suốt 3 năm qua, cô Nga vẫn kiên trì đem "con chữ" đến cho trẻ em đồng bào K'Ho tại Buôn Chuối.

Gian nan đường đến trường mẫu giáo của cô và trò ở Buôn Chuối- Ảnh 1.

Cô Lê Thị Nga (32 tuổi) đã gắn bó với điểm trường mẫu giáo tại thôn Buôn Chuối suốt 3 năm qua

Năm nay, điểm trường mẫu giáo ở Buôn Chuối có 2 giáo viên và 35 trẻ theo học. Toàn bộ trẻ đều là người K'Ho. Điểm trường nhỏ chỉ với 2 căn phòng chính, một phòng để học tập, phòng còn lại để ăn uống, nghỉ ngơi. Khoảng sân nhỏ phía trước cũng được trang bị đơn giản các xích đu và cầu tuột cho trẻ vui chơi.

Cô Nga chia sẻ, Buôn Chuối là vùng đặc biệt khó khăn nên học phí được giảm 70%. Học sinh tại đây chỉ đóng học phí 15.000 đồng/tháng. Hoàn cảnh gia đình của các em khó khăn, việc làm của phụ huynh không ổn định và thu nhập cũng rất bấp bênh.

Vì vậy, chuyện đóng học phí không đúng hạn đã quen như "cơm bữa". Lúc đó, giáo viên sẽ bỏ tiền túi ra đóng trước, phụ huynh gửi lại sau. Dù điểm trường nhận trẻ trong độ tuổi từ 3-5 nhưng đa số trẻ ở Buôn Chuối lên 5 tuổi mới đến học vì không có tiền.

Gian nan đường đến trường mẫu giáo của cô và trò ở Buôn Chuối- Ảnh 2.

Một em nhỏ được chở đến trường bằng chiếc xe cũ

Nói về việc cân bằng giữa gia đình và công việc, cô Mai Thị Bình (34 tuổi) - nữ giáo viên còn lại ở điểm trường - chia sẻ: "Đã là giáo viên mầm non thì hầu như rất khó lo cho gia đình được trọn vẹn. Gia đình luôn là nguồn động lực lớn, hỗ trợ hết mình nên tôi mới theo nghề được. Con cái của mình cũng nhờ ông bà và chồng chăm sóc nhiều.

Tuy cực nhưng tôi rất thích nghề này, ở với đám trẻ mình thấy bản thân hồn nhiên hơn. Mỗi khi thấy công việc hay đường đến trường quá vất vả, áp lực thì đám trẻ Buôn Chuối lại tạo cho mình rất nhiều niềm vui".

Mong trẻ đến trường đều đặn

Trước đây, cô Nga từng được phân công đến điểm trường này dạy trong 1 năm. Khi ấy, sân trường còn chưa được đổ xi măng như hiện tại. Các em đến lớp lấm lem bởi đất đỏ. 

Phụ huynh Buôn Chuối bây giờ cũng "hiện đại" hơn ngày đó, họ biết rửa chân tay sạch sẽ cho con trước khi chở đến trường.

Dạy ở đây thời gian đầu, cô Nga và cô Bình gặp khó do bất đồng ngôn ngữ. Các em chỉ nói và hiểu tiếng của người đồng bào mình, không biết tiếng phổ thông.

"Các em còn nhỏ, lại không hiểu lời cô nên đôi lúc cũng bướng bỉnh. Để giải quyết vấn đề này, tôi học và rèn luyện thêm tiếng K'Ho. Đồng thời, tôi cũng kiên nhẫn trò chuyện với các em. Mất 3-4 tháng, cô trò mới hiểu hết ý của nhau. Nhiều em học trước quên sau nên hai cô phải thay nhau thường xuyên ôn lại bài, nhắc nhở các em tập trung", cô Nga tâm sự. 

Gian nan đường đến trường mẫu giáo của cô và trò ở Buôn Chuối- Ảnh 3.

Nhiều trẻ tại điểm trường đặc biệt này lên 5 tuổi mới đến trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn

11 giờ trưa, những "mầm non" của cô Nga, cô Bình lại ngoan ngoãn vào phòng ăn để kê bàn ghế cho bữa trưa. Sau đó, các em tập trung ra sân, đứng xếp hàng ngay ngắn để rửa tay trước khi dùng bữa.

Cô Nga cho hay, bữa ăn của các em khá "thiếu thốn", chủ yếu là trứng luộc hoặc trứng chiên kèm ít canh (do gia đình tự chuẩn bị - PV). Cơm các em ăn cũng khô ran. Thực đơn cả tuần có khi lặp lại y đúc, song những đứa trẻ vẫn ăn một cách ngon lành.

Cô Nga kể thêm, vào những ngày trời mưa lớn, các em không thể đi từ phòng học ra nhà vệ sinh ở phía sau. Do đó, cô mong muốn nhận được sự hỗ trợ để lắp mái vòm kết nối giữa hai khu với nhau.

Dù "con đường đến trường" của cô trò tại đây đầy ắp khó khăn nhưng các cô vẫn luôn nỗ lực để đem kiến thức đến cho các em. Cô Bình tâm sự: "Tôi sẽ tiếp tục mang kiến thức đến đây để các em được đến trường, học tập và vui chơi. Tôi mong trẻ em tại thôn Buôn Chuối đi học đều, biết chữ hết để sau này có cái nghề cho đỡ khổ…".

Gian nan đường đến trường mẫu giáo của cô và trò ở Buôn Chuối- Ảnh 4.

Buôn Chuối là vùng đặc biệt khó khăn nên các em tại điểm trường mẫu giáo được giảm 70% học phí

Gian nan đường đến trường mẫu giáo của cô và trò ở Buôn Chuối- Ảnh 5.

Chuẩn bị đến giờ ăn trưa, đám trẻ đứng xếp hàng ngay ngắn để rửa tay trước khi dùng bữa

Gian nan đường đến trường mẫu giáo của cô và trò ở Buôn Chuối- Ảnh 6.

Bữa trưa của các em do gia đình tự chuẩn bị thường chỉ có trứng chiên, trứng luộc kèm ít canh

Gian nan đường đến trường mẫu giáo của cô và trò ở Buôn Chuối- Ảnh 7.

Dù đường đến trường vất vả nhưng cô Lê Thị Nga (trái) và cô Mai Thị Bình vẫn cố gắng đem kiến thức đến cho các em Buôn Chuối

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn