Gian nan đường đến ước mơ của 5 thí sinh ở ấp đảo Thiềng Liềng, TP.HCM

09:50 | 01/07/2023;
Cả ấp đảo Thiềng Liềng (thuộc xã đảo Thạnh An, TP.HCM) có 5 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Các em có những ước mơ riêng nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là giúp cuộc sống của ba mẹ đỡ vất vả.

Gian nan đường đến ước mơ của 5 thí sinh nơi ấp đảo Thiềng Liềng, TP.HCM.

Từ trung tâm TP.HCM, để đến được ấp đảo Thiềng Liềng phải mất gần 2 tiếng bao gồm cả chạy xe băng rừng và đi đò hai chặng. Thiềng Liềng là nơi xa nhất của xã đảo Thạnh An (thuộc huyện Cần Giờ). Thạnh An cũng là xã đảo duy nhất của TP.HCM. 

18 vừa là số tuổi cũng vừa là số năm ba mẹ em Nguyễn Thị Thùy Nguyên (học sinh trường THCS - THPT Thạnh An) lênh đênh với cuộc sống tạm bợ trên ghe ở ấp đảo Thiềng Liềng. 

Thương ba mẹ vất vả, Thùy Nguyên quyết định sau khi thi tốt nghiệp THPT, em sẽ đi làm thêm để kiếm tiền học nghề trang điểm. 

Ước mơ của em là sớm có công việc ổn định, thu nhập cao để phụ ba mẹ nuôi hai em. Tuy nhiên, chi phí để theo học nghề vẫn là một “bài toán khó” mà em vẫn đang loay hoay tự mình tìm cách giải vì không muốn xin tiền của ba mẹ. 

Gian nan đường đến ước mơ của 5 thí sinh nơi ấp đảo Thiềng Liềng, TP.HCM - Ảnh 2.

Thùy Nguyên và Mỹ Duyên (từ trái sang phải) ăn vội bữa sáng trên chuyến đò đi từ xã đảo Thạnh An sang điểm thi tốt nghiệp THPT 2023

Người dân ở ấp đảo Thiềng Liềng đa số sống bằng nghề làm muối. Nhưng phần lớn thời gian trong năm, khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 4, nghề của họ là “ai kêu gì thì làm nấy”. Cuộc sống bấp bênh, thu nhập không ổn định. Do đó, đa số những phụ huynh trên đảo đều đã nghỉ học từ sớm để mưu sinh. 

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Nguyễn Văn Hiền (40 tuổi, phụ huynh em Thùy Nguyên) phải làm đủ nghề để mưu sinh, từ đánh bắt thủy hải sản cho đến chở rác, thu gom ve chai,...

"Vợ chồng tôi có ba người con, em gái kế Nguyên (13 tuổi) đã nghỉ học phần vì gia đình khó khăn phần do lực học con không tốt. Con trai nhỏ nhất chỉ mới tròn 2 tuổi. Ngày xưa, tôi không có điều kiện để học nên phải nghỉ, đi làm từ sớm. Tôi thấy lao động chân tay vất vả nên lúc nào cũng muốn con học lên cao để đỡ sống vất vả như ba mẹ", anh Hiền tâm sự. 

Trên ấp đảo Thiềng Liềng hiện tại chỉ có trường cấp 1. Để học lên cấp hai, cấp ba, các em đều phải dậy từ sớm tinh mơ và đi đò gần 1 tiếng đồng hồ để sang xã đảo Thạnh An. Vất vả là thế nhưng ai cũng mơ về ngày được ngồi tại giảng đường Đại học.

Trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời, em Nguyễn Thị Mỹ Duyên (học sinh trường THCS - THPT Thạnh An) đã đặt nguyện vọng vào ngành tài chính - ngân hàng. Gia đình Mỹ Duyên thuộc hộ cận nghèo, công việc chính của ba mẹ là đánh bắt thủy hải sản.

Duyên còn một người anh nhưng đã nghỉ học từ sớm và đi làm công nhân ở Bình Dương để phụ gia đình nuôi em gái đi học. 

"Nhìn thấy ba mẹ vất vả, cũng có lúc em nghĩ việc vào đại học là ước mơ quá xa vời. Nhưng em biết chỉ có học mới có nghề nghiệp, thu nhập ổn định và lo được cho ba mẹ. 

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ba mẹ vẫn ủng hộ em học Đại học. Bên cạnh đó, em cũng dự định sẽ xin làm phục vụ tại các quán cà phê để đỡ đần gánh nặng học phí. 

Em muốn nhắn gửi đến ba mẹ rằng hãy yên tâm, con sẽ theo được ngành con muốn học, kiếm được nhiều tiền để giúp ba mẹ ", Duyên chia sẻ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn