Gian nan hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trong mùa dịch

18:13 | 08/05/2020;
Ở nhà chống dịch có thể là một khoảng thời gian tuyệt vời để sống chậm nhưng cũng có thể là địa ngục đối với những người chịu cảnh bạo lực gia đình như chị Nguyễn Thị M. (sinh năm 1986), người chúng tôi gặp vào những ngày cuối tháng 4/2020, khi đến Nhà Bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ & Phát triển - 1 trong 8 Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở sở giới đang được hỗ trợ triển khai từ Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020.

Điểm tựa Nhà Bình yên

Chị M. cho biết, ngày 28/3/2020, sau khi bị chồng bạo hành nghiêm trọng, chị đã liên hệ để tìm sự giúp đỡ tại Nhà Bình yên qua điện thoại, nhưng vì con bị ốm nên chị phải đưa con đi bệnh viện. Lúc này, nhân viên của Nhà Bình yên phối hợp với Hội phụ nữ địa phương đã đến tham vấn, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho chị tại bệnh viện. Tuy nhiên, khi con khỏi ốm, vừa ôm con về nhà ngoại tối hôm trước thì sáng hôm sau, chồng chị lại tìm đến đánh tiếp. Lần này, không thể mang cả 4 con đi, chị đưa theo 3 con vào tạm lánh tại Nhà Bình yên (còn 1 cháu ở nhà với bố) để tránh những trận bạo hành có thể gây chết người từ chồng mình.

Đến 7h sáng 1/4, chị và 3 con tới Nhà Bình yên sau khi bị chồng đánh tại nhà ngoại. Lúc này chị bị thương tích trên người nên đã được Nhà Bình yên đưa chị và con út đi bệnh viện, hai con đi cùng chị ở tại Nhà Bình yên để được chăm sóc.

(Bài 2) Gian nan hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trong mùa dịch - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt nhóm tại Nhà Bình yên

Chị M. kết hôn năm 2005, sinh được 4 con, trong đó cháu thứ hai bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh. Từ khi sinh đứa con này, chồng chị hay tỏ ra bức xúc, khó chịu. Những năm gần đây, chồng chị M thường uống rượu và gây sự với vợ, những trận đòn, những cái bạt tai vô cớ dội xuống chị như cơm bữa mỗi ngày. Những bí bách, khó khăn trong thời điểm diễn ra dịch bệnh chỉ như một cái cớ để anh ta tiếp tục lối hành xử thô bạo, dẫn đến lần bạo hành vừa qua.

Bốn mẹ con chị M. tìm đến Nhà Bình yên khi trên người chị có nhiều vết thương. Nhân viên Nhà Bình yên đã đưa chị M. đi cấp cứu, phân công người trông một đứa con của chị và cử nhân viên đưa cháu nhỏ bị ốm phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ cùng cháu lớn vào bệnh viện với mẹ. Cảnh mẹ con bồng bế nhau vào viện những ngày dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp khiến ai nhìn cũng xót xa. Đến với Nhà Bình yên, mẹ con chị M. tìm thấy sự an toàn, được hỗ trợ về tâm lý và sức khỏe…

Cũng vào lánh nạn trong Nhà Bình yên từ ngày 1/4/2020, chị Nguyễn Thu H. cho biết, mình kết hôn đã được 27 năm. Trong 27 năm chung sống, số lần chị bị bạo hành không đếm xuể, nhẹ thì bị chửi bới dai dẳng, nặng thì bị đánh chảy máu, phải đi khâu hàng chục vết. Chị H. từng lên công an xã để trình báo một lần vào tháng 12/2018. Khi Công an hòa giải, chồng chị đã viết cam kết không tái phạm hành vi bạo lực gia đình nhưng sau đó chị vẫn tiếp tục bị bạo hành. "Cái cớ mà chồng tôi hay đưa ra để bạo hành là cho rằng tôi hỗn láo, cần phải dạy dỗ và đánh là cách chồng tôi cho rằng đang dạy tôi. Anh ta cho rằng anh ta có quyền dạy tôi. Những lần tôi không chịu khi bị "đòi hỏi" anh ta cũng đánh. Chồng tôi muốn kiểm soát tôi mọi mặt, làm gì, nói gì, bày tỏ gì mà không đúng là bị chửi và đánh", chị H. cho biết. Chị tìm đến Nhà Bình yên vì muốn được giúp đỡ thoát khỏi bạo lực, làm lại cuộc đời.

Dùng xe máy chở nạn nhân đi cấp cứu

Chị Nguyễn Thùy An, nhân viên xã hội hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình tại Nhà Bình yên, cho biết, những trường hợp được tư vấn hoặc đến tạm lánh tại Nhà bình yên trong thời gian dịch Covid-19 hầu hết đều bị bạo lực ở mức độ rất nghiêm trọng, cả về thể xác và tinh thần. Nhân viên Nhà bình yên từng đưa 1 trường hợp đi cấp cứu tại bệnh viện do bị chồng bạo đánh gây tổn thương nghiêm trọng. Việc hỗ trợ đưa người tạm lánh đi bệnh viện thời Covid gặp nhiều khó khăn hơn do phương tiện đi lại bị hạn chế. Trong tình trạng cấp bách, nhân viên Nhà Bình yên đã phải dùng xe máy để đưa người tạm lánh đi cấp cứu. Ngày đầu chưa đăng kí được suất ăn trong bệnh viện, căng-tin lại không phục vụ nên nhân viên Nhà Bình yên mang cơm vào bệnh viện chăm sóc cho người tạm lánh.

(Bài 2) Gian nan hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trong mùa dịch - Ảnh 2.

Chị Thúy An trong một buổi tư vấn tại Nhà Bình yên

Theo bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, thực hiện công tác phòng, chống dịch, Nhà Bình yên phối hợp với lễ tân của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển luôn kiểm tra thân nhiệt cho người tạm trú, thực hiện khai báo y tế nghiêm túc tại Y tế phường sở tại nơi Nhà Bình yên đặt địa chỉ hoạt động. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg về việc giãn cách xã hội, tất cả người tạm trú sinh hoạt tại Nhà Bình yên không ra ngoài. Người lớn nghỉ việc tại nhà, trẻ em nghỉ học và học online.

Những phương thức hỗ trợ chỉ có thời Covid-19

Cũng theo bà Dương Thị Ngọc Linh, những ngày giãn cách xã hội, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và kết nối với chính quyền địa phương để giải quyết các vụ bạo hành cũng bị hạn chế. Lo ngại có thể bị lây bệnh ngoài cộng đồng, cộng thêm thu nhập của bản thân bị giảm, thậm chí bị mất việc nên nhiều chị em ngại ngần không muốn tìm đến các dịch vụ hỗ trợ. Vì họ sợ, nếu rời bỏ người chồng vũ phu sẽ không đủ kinh tế để nuôi con.

Chung nhận định này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), cho biết, việc đi ra ngoài hoặc chạy sang nhà người khác tìm sự giúp đỡ vào thời điểm dịch bệnh thật không dễ dàng chút nào với những người bị bạo hành. "Chạy sang nhà ai bây giờ để mà người ta không lo ngại bị lây bệnh. Còn việc tìm đến nhà tạm lánh, có nhiều phụ nữ đã chia sẻ rằng: Vào nhà tạm lánh, nhỡ em bị lây Covid thì sao? Tất cả những lo lắng đó khiến nhiều người trong giai đoạn này có thể chấp nhận bị bạo lực", bà Nguyễn Vân Anh cho biết.

Với CSAGA, thời gian qua, tất cả những tư vấn viên trong giai đoạn cách ly phải làm việc tại nhà nên các cuộc gọi cần hỗ trợ được chuyển vào điện thoại di động. Vì chuyển vào điện thoại di động nên phát sinh vấn đề là người cần được tư vấn phải gọi qua tổng đài chính rồi mới được chuyển về tư vấn viên. Trong giai đoạn này, số lượng gọi điện thoại đến đường dây nóng của CSAGA tăng. Những cuộc gọi khẩn cấp và nguy kịch cũng nhiều hơn. Thời gian cuộc gọi đến cũng khác trước, chủ yếu là buổi chiều và ban đêm. "Có một điểm khác nữa là do đang ở bên người gây bạo lực nên chị em nhắn tin hoặc chat nhiều hơn là gọi điện thoại. Chúng tôi có một số cách để hỗ trợ đội ngũ tư vấn thời điểm này. Ngoài việc tài liệu hóa các ca điển hình và đưa ra các khuyến cáo thì chúng tôi thường xuyên hỗ trợ tư vấn viên trong thời gian có dịch Covid cần phải làm thế nào với từng trường hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải liên hệ với địa phương và các nguồn khác để hỗ trợ nạn nhân. Đến thời điểm này, chúng tôi được biết những trường hợp gọi đến CSAGA tương đối ổn", bà Vân Anh cho biết.

Lượng cuộc gọi đến 111 tăng mạnh

Bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cho biết, trong thời gian nghỉ tránh dịch Covid-19, 111 nhận được nhiều cuộc gọi liên quan đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.

Theo số liệu thống kê, trong quý 1/2020, Tổng đài 111 đã tiếp nhận trên 91 nghìn cuộc gọi đến, tư vấn gần 9.000 ca (tăng gần 2.000 ca so với cùng kỳ). Tổng đài đã hỗ trợ, can thiệp 181 ca. Đối với các cuộc gọi tư vấn trong thời gian cách ly xã hội, từ ngày 01/4 đến 10/4), Tổng đài đã thực hiện 744 ca tư vấn, 21 ca hỗ trợ can thiệp, trong đó có 9 ca xâm hại tình dục trẻ em (2 ca xâm hại tình dục trẻ em liên quan đến môi trường mạng).

Một số địa chỉ, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình:

- Tổng đài quốc gia 111, gọi đến hotline 111 hoặc thông báo qua ứng dụng "Tổng đài 111" (Tìm kiếm và cài đặt ứng dụng "Tổng đài 111" tại kho App Store đối với hệ điều hành IOS hoặc Play store với hệ điều hành Android).

- Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), địa chỉ: số 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, làng Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội. Hotline tư vấn miễn phí: 024 3333 55 99.

- Hagar Việt Nam, địa chỉ 152 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội; số điện thoại: 094.311.1967.

- Nhà Bình Yên (Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới) hỗ trợ nạn nhân 24/7. Tổng đài Bình yên 1900969680/ 0946833380. Dịch vụ Nhà Bình yên là Miễn phí.

- Hệ thống các Trung tâm công tác xã hội/Bảo trợ xã hội triển khai Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới tại địa phương gồm:

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh; địa chỉ: Điện Biên Phủ, Hồng Hà, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh; Điện thoại: 0203 3613 130.

+ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ 210 Phan Bội Châu, Thống Nhất, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk; Điện thoại: 0262 3853 928.

+ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Bến Tre; địa chỉ 94 Hùng Vương, Phường 2, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; điện thoại: 0756.250999.

+ Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình; địa chỉ: xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; điện thoại cơ quan: 02273.826.679.

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hòa Bình; địa chỉ: Khu 3, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; Điện thoại: 0218 3842 236.

+ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa; địa chỉ: 313 Đ. Bà Triệu, P. Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá; điện thoại: 0237 3961 739.

+ Quỹ Bảo trợ trẻ em - Văn phòng Công tác xã hội tỉnh Hà Tĩnh; địa chỉ: Số 146b, Đường Trần Phú, phường Bắc Hà , TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; điện thoại: 02393 853 279.

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa; địa chỉ: 193 Phước Long, Phước Trung, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, điện thoại: 0258 3882 808.

+ Trung tâm công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang; địa chỉ: 65 Tôn Đức Thắng, P. Mỹ Bình, Thành phố Long Xuyên, An Giang; điện thoại: 0296 3989 708.

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hà Nam; địa chỉ: Quốc lộ 21a , xã Liêm Tiết, Liêm Tiết, Thanh Liêm, Hà Nam; điện thoại: 0226 3880 519.

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên; Địa chỉ: số 2, đường Phù Liễn, Phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên; điện thoại: 0280.3848.868.

+ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Hà Nội; địa chỉ 45 Bà Triệu, P. Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội; điện thoại: 024 3352 5651.

+ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng; địa chỉ 64 Đống Đa, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng; điện thoại: 05113.818.787,

+ Trung tâm công tác xã hội thành phố Cần Thơ; địa chỉ: 251/1 đường Tầm Vu, Phường Hưng Lợi, Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; số điện thoại: 0292 3783208 - 3838901, hotline: 18008065.

+ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu; địa chỉ: Hưng Hội, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu; điện thoại: 0291 3610 237.

- 63 Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng tại 63 xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Liên hệ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố.

Bài sau: Giải quyết tận gốc bạo lực trên cơ sở giới: Bài học từ cuộc chiến chống Covid-19 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn