Giàn trầu của u

06:24 | 20/08/2021;
Những chiếc lá trầu to bằng bàn tay, hình trái tim, gân mọng lên, nhìn mỡ màng. Thế nhưng mỗi khi ra hái trầu, u toàn chọn những lá già úa vàng, hoặc xanh đậm.

Hồi xưa, khi nhà còn nguyên vẹn chưa chia cắt, cái vườn nhỏ chạy dọc theo sân, giáp ranh với hàng xóm trồng đủ thứ. Tuổi thơ của tôi gắn với mảnh vườn đó. Mảnh vườn lúc thì trồng mía, khi thì trồng sắn, có đợt trồng dâu để nuôi tằm và bao giờ ở góc cuối vườn cũng có giàn trầu không của u.

Mà công nhận, trầu không là loài dễ sống, nhanh tốt và chẳng bao giờ bị sâu bọ. Cũng có thể tại lá trầu đắng nên chẳng loài sâu bọ nào gặm được. Tôi nhớ có năm, thầy làm cho u cái giàn bằng tre. Tính thầy cẩn thận, làm cái giàn trầu thôi mà cũng cầu kỳ lắm. Thầy chọn 4 cái thân cây tre thẳng tưng, bằng nhau sân sấn chôn xuống 4 góc. Xong rồi lấy 4 đoạn cành tre cũng thẳng tưng làm 4 cạnh, chẻ các thanh tre ra đặt lên làm sàn, buộc từng nốt lạt, nhìn cứ như cái rạp đám cưới. 

Tôi nhớ có lần u bảo: "Gớm, ông làm gì mà cầu kỳ thế, vứt cái cành tre lên là được, sao phải nắn nót". Thầy vừa làm vừa lườm không nói gì, đến khi u đi vào rồi thầy mới bảo tôi: "Đấy mày xem, tao đã làm cho cái giàn chắc chắc để mưa gió nó đỡ đổ mà u mày lại còn lèm bèm". Tôi đáp: "Ôi dào thầy cứ kệ đi, tính u thế mà". Thế là thầy thôi, chả bực. Với cả cũng quen tính nhau rồi, u thì đồng bóng, thoáng tính và đơn giản, hay nói thẳng nhưng không để bụng. Còn thầy thì ngược lại, lầm lì ít nói, cẩn thận, cầu kỳ, làm gì cũng chỉn chu, đẹp mắt và chắc chắn.

Cái giàn của thầy làm, vài tháng sau cây trầu mọc xanh um, nhìn đẹp thật, như cái màn công chúa. Những dây trầu leo lên mọc lá um tùm, xanh biếc. Những chiếc lá trầu to bằng bàn tay, hình trái tim, gân mọng lên, nhìn mỡ màng. Thế nhưng mỗi khi ra hái trầu, u toàn chọn những lá già úa vàng, hoặc xanh đậm. U bảo, ăn trầu phải ăn lá già nó mới giòn và đậm, chứ lá non ăn nhớt nhèo và nhạt lắm.

Cứ bà hàng xóm nào sang chơi, u lại ra vườn hái một nắm tặng họ mang về, sau khi đã hàn huyên đủ thứ chuyện cùng miếng trầu nhai đã lạt. Hàng xóm nhà ai có việc đều sang u xin trầu. Nào giỗ Tết, nào nhà có đám. Ngày xưa có bán bung gì đâu, nhà nào có đám hỏi thì sang mà hái về. Còn đám cưới, thường nhà trai sẽ phải "đi lễ" nhà gái cả trầu vỏ, nên họ thường ra chợ mua hàng chục mớ về để cả nhà trai và nhà gái dùng.

Giờ thầy đã đi xa, u cũng cho thằng út cái vườn nó xây thành nhà nhưng vẫn để một góc cho u làm giàn trầu. Giờ u tự cắm mấy cái cọc làm giàn, trầu vẫn leo lên và vẫn xanh um, xum xuê lá!

Ngày xưa, lúc còn vất vả kiếm sống nuôi đàn con, u chỉ ăn trầu buổi đêm hoặc có việc, có đám, còn thì phải tối mắt tối mũi với công việc. Sau này già thì ngày nào cũng ăn. Đi đâu cũng phải lỉnh kỉnh hành lý, không bao giờ thiếu cái túi đựng trầu vỏ. Ở gầm giường của u lúc nào cũng có một cái hộp tròn bằng đồng đựng trầu, khúc vỏ và nắm cau khô. Ngày xưa, u ăn trầu còn quệt vôi vào, nhưng giờ cũng bỏ dần, không ăn vôi nữa. Tôi đã từng ăn trầu rồi, nó nồng cay và dễ say lắm. Ai ăn trầu vài lần rất dễ nghiện, cái cảm giác say say rất kỳ lạ.

Tôi luôn nhớ hình ảnh u chụng chiệng đi ra góc vườn hái trầu, nhớ cái mùi trầu toát ra từ con người u, cái mùi quê thật nồng nàn, ấm áp. Mùi ấy chính là mùi của mẹ, mùi của những tháng năm tảo tần sương nắng nhưng chẳng bao giờ thiếu miếng trầu, như là cái duyên của những người phụ nữ nhà quê!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn