Rủi ro theo mực nước hồ
Bà Đặng Thị Chu, người dân tộc Dao, ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, đã nuôi cá lồng nhiều năm trên hồ Thác Bà, cho biết: "Do là hồ chứa nước thủy điện, nên mực nước thường xuyên không ổn định. Lúc cao, lúc thấp, về mùa khô, mực nước xuống thấp quá, không đảm bảo an toàn cho lồng cá thì phải di chuyển, mà di chuyển lồng bè thì vô cùng tốn kém và kéo theo nhiều phức tạp. Nên độ rủi ro theo mực nước hồ luôn là vấn đề đau đầu với người dân nuôi cá."
Chị Triệu Thị Vui, người dân tộc Dao ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, cho hay: "Nuôi cá lồng ở đây được cái thuận lợi là diện tích rộng, nước hồ khá đảm bảo chất lượng, phù hợp với sinh trưởng của cá. Nhưng mỗi vấn đề mực nước lên xuống thất thường là gây khó khăn thôi. Đã từng có gia đình thiệt hại cả tấn cá vì chuyện lên xuống mực nước hồ".
Để đầu tư mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, mỗi gia đình đều phải bỏ vốn tới cả trăm triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng. và cả công sức, nhân lực để chăm sóc cá. Nhưng họ vẫn phải lệ thuộc vào mực nước hồ để tính đến sự thành bại.
Năm 2022, khi mực nước xuống thấp quá, đã có hộ gia đình phải di chuyển hàng chục lồng cá đến khu vực nước sâu, cách xa hàng chục km. Rồi phải đầu tư kéo điện, đường đi lối lại. Nhưng khi ra môi trường nước mới, cá không thích ứng đã chết tới cả 5 tấn một lúc, khiến gia chủ khóc ròng vì thiệt hại quá lớn.
Do vậy, mức độ rủi ro từ sự lên xuống của mực nước hồ Thác Bà luôn là nỗi ám ảnh đối với những hộ gia đình nuôi cá lồng.
Sẽ vô cùng chật vật nếu thị trường thất thường
Vấn đề giá cả thị trường không ổn định cũng gây nhiều khó khăn cho người nuôi cá, thị trường tiêu thụ ổn định thì không sao, nhưng có biến động thất thường thì người nuôi cá sẽ vô cùng chật vật.
Để đầu tư nuôi cá lồng, thì nguồn vốn chủ trại cá lồng bỏ ra đầu tư lên tới hàng tỷ đồng, trong đó, họ phải tính toán thời gian từ khi nuôi đến khi xuất bán. Nếu vượt quá cữ xuất bán thì coi như sẽ chịu lỗ theo từng ngày.
Bà Hà Thị Tĩnh, ở xã thị trấn Yên Bình, chia sẻ: "Với một trại cá khoảng hơn ba mươi lồng, thì số tiền chi cho thức ăn có thể lên tới hàng chục triệu mỗi ngày. Mỗi tháng lên tới vài trăm triệu đồng. Nếu như đến cữ xuất bán, giá cá trên thị trường bị tụt xuống, thì nguy cơ thua lỗ rất cao. Nếu không bán được, phải nuôi kéo dài, thì lại càng lỗ đậm hơn. Và năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra mạnh, những người nuôi cá lồng đều thua lỗ nặng nề, vì cá không bán được, phải nuôi kéo dài mà giá cám lúc ấy lại tăng lên cao hơn bình thường".
Ông Hà Quang Hưng, Cán bộ Lao động và Thương binh xã hội thị trấn Yên Bình, cho biết: "Lợi thế của những người dân nuôi cá lồng ở hồ Thác Bà là diện tích rộng, nguồn nước hồ khá tốt, không bị ô nhiễm môi trường như ở nhiều nơi khác. Thế nhưng đầu tư nuôi cá lồng cũng dễ gặp rủi ro bởi các yếu tố lên xuống của nguồn thức ăn cho cá, và giá cả thị trường khi xuất bán cá. Khiến cho người dân nuôi cá cũng gặp nhiều bấp bênh".
Tuy rằng nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà gặp nhiều gian nan trắc trở, thế nhưng với lợi thế của mặt hồ rộng, nguồn nước khá trong lành, vẫn là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá lồng đối với các hộ dân sống ven hồ.
Đến nay, chính quyền địa phương, cũng khá quan tâm và thúc đẩy các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, để tạo đà phát triển kinh tế địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, cũng cần chú trọng hơn nữa đến việc mở rộng thị trường, kết nối với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, để ổn định đầu ra sản phẩm cho người dân, để họ yên tâm đầu tư phát triển bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn