Anh Nguyễn Văn Đạt, ở Thượng Thanh, Long Biên, chia sẻ: "Tôi làm nghề vận tải, bà xã làm kế toán, công việc khiến vợ chồng đi làm từ sáng tới tối. Nghỉ hè thì 2 cháu ở nhà tự coi nhau, nó hay mở tivi xem. Mấy hôm nay thấy thằng nhỏ mới học lớp 3 mà nó toàn nói mấy cái giọng điệu xã hội. Tôi mới hỏi cháu lớn là nó học ở đâu, thì cháu nó nói là học Khánh Sky trên youtube. Mình thấy lạ mới bảo nó mở cho xem, thì ôi thôi đấy là ngôn từ của mấy ông "giang hồ mạng". Tôi phải cấm luôn và nhờ bà nội từ dưới quê lên quản lý".
Chị Nghiêm Thanh Vân, ở Đông Hội, Đông Anh, cho biết: "Con nhà tôi năm nay 11 tuổi, ông bà ở quê cũng già rồi không chăm được nên nghỉ hè phải để cu cậu ở nhà. Nhà chung cư nên mấy cháu hay tụ tập ở nhà xem tivi. Vài hôm thấy chúng nó xưng hô với nhau kiểu "chào các con vợ; các chiến hữu; các bờ rồ". Tôi mới hỏi các con học những câu này ở đâu, thì cháu nó nói học trên youtube. Thế là các phụ huynh trong tầng phải họp nhau lại tìm giải pháp cấm tiệt mấy cái kênh lố lăng ấy".
Nhiều phụ huynh vì lo lắng con cái ở nhà xem những kênh youtube rác, đã chọn giải pháp lắp camera để theo dõi và kiểm soát online.
Chị Nguyễn Minh Tú, ở Đông Hội, Đông Anh cho biết: "Các cháu nó còn diễn theo các clip của mấy ông đầu trọc xăm trổ trên mạng, nào là anh lớn, đại ca, đại tá gì đó nữa. Nhà tôi phải lắp camera ở phòng khách để hàng ngày bố mẹ theo dõi xem nó mở kênh gì trên tivi. Cứ nhiễm mấy cái văn hóa dở ông dở thằng là chết dở, ra ngoài bạ đâu nói đấy, toàn ngôn từ ba lăng nhăng".
"Con trẻ thường hay tò mò, nó lại thích xem mấy cái kênh như Khánh Sky; Tiến bịp; Tuyền mốc… và rất nhiều kênh lăng nhăng. Tôi phải mò vào kiểm tra để chặn hết các kênh này. Nhưng nhiều lắm, các cháu đã trót mở kênh nào, thì các kênh khác tương tự thế nó lại nhảy vào", anh Thắng, chồng chị Tú cho biết.
Ông Nguyễn Văn Dương, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, vì quá lo lắng cho 2 đứa cháu ở dưới Hà Nội, nghỉ hè không có chỗ chơi, lại chúi vào xem mạng. Nên đã phải xuống ở cùng gia đình người con trai để quản lý các cháu trong những ngày hè.
"Bảo các cháu về quê, thì quê lại hay mất điện, nên cũng bất tiện. Mà bố mẹ nó đi làm cả ngày, mình thấy cũng không yên tâm. Chỉ lo nó cứ vào mạng rồi học theo mấy cái trò thách thức, chửi bới nhau thì sớm muộn cũng hư hỏng hết. Tôi phải xuống trông các cháu cho bố mẹ nó đi làm", ông Dươngnói.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục Trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, những nội dung thông tin xấu độc, phản cảm như giang hồ mạng gây ảnh hưởng xấu cho giới trẻ. Khi phát hiện cơ quan quản lý ngăn chặn, đồng thời xử lý những đối tượng cung cấp, nhưng cơ quan quản lý cũng không thể đủ lực lượng và kỹ thuật để rà soát tất cả các nền tảng mạng. Nhất là các hệ thống livestreams, vì nó rất là nhiều, nó diễn ra theo từng thời điểm, rất khó để kiểm soát hết.
Các em nhỏ, với tâm hồn còn non nớt, nhận thức còn chưa chín, rất dễ nhiễm những hành vi xấu độc, phản văn hóa mang tên "giang hồ mạng". Nên việc nhiều phụ huynh lo lắng cũng là điều dễ hiểu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn