Khánh Thy (22 tuổi, tại Hà Nội) chia sẻ: "Khi ngân hàng giới thiệu tính năng chuyển khoản bằng giọng nói, tôi đã dùng thử và thấy khá thích thú. So với việc phải bấm phím và nhập dãy số rườm rà, giờ tôi chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói là trợ lý ảo đã hiểu để thực hiện". Khánh Thy cho biết, sau khi ra lệnh chuyển tiền bằng giọng nói, ở bước xác nhận, người dùng cần sử dụng vân tay hoặc Face ID hoặc xác thực qua mã OTP để hoàn thành giao dịch. Tính năng mới này khiến cô và bạn bè hào hứng trải nghiệm.
Tuy nhiên, xung quanh tiện ích mới này có không ít băn khoăn của người dùng. Phan Thu Thảo (30 tuổi, ở TP.HCM) đặt câu hỏi: "Liệu có rủi ro chuyển khoản nhầm khi mình muốn chuyển tiền cho người này lại bị chuyển sang người khác có cùng họ tên?". Vấn đề rủi ro bị nghe lén là băn khoăn của chị Nguyễn Thanh Thủy (41 tuổi, Đà Nẵng).
Nói về mức độ an toàn của tiện ích chuyển tiền ngân hàng bằng giọng nói, đại diện Ngân hàng VP Bank, một trong những ngân hàng đang triển khai tiện ích giao dịch chuyển tiền bằng giọng nói, chia sẻ: "Với tiện ích này, khách hàng sẽ có mẫu giọng nói tại ngân hàng nên tính bảo mật tại ngân hàng càng cao".
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Quang Huy cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, công nghệ AI Voice mang lại nhiều giá trị ứng dụng thực tiễn trong doanh nghiệp và đời sống như: Hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng tự động; trợ lý ảo; tích hợp vào hệ thống giao thông công cộng, y tế, thành phố thông minh, điện thoại thông minh... Công nghệ này được đánh giá mang lại những dịch vụ mới, hấp dẫn và tiện ích hơn không chỉ với nhà cung cấp mà còn cả người tiêu dùng.
Giao dịch ngân hàng bằng giọng nói đang trở thành xu thế trên thế giới. Năm 2021, tại Mỹ đã có sự gia tăng mạnh mẽ của xu hướng giao dịch ngân hàng bằng giọng nói, trong đó, 30% khách hàng từng thực hiện việc kiểm tra số dư tài khoản bằng giọng nói, tăng so với mức 9% của năm 2019. Có 87% khách hàng bày tỏ sự hài lòng với việc thực hiện các giao dịch qua trợ lý ảo do tốc độ thực hiện nhanh gấp đôi so với việc thao tác bằng tay trên màn hình điện thoại. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngân hàng ở Hàn Quốc đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để mở rộng giao tiếp giữa khách hàng và nhân viên, hỗ trợ mở tài khoản, xử lý khoản tiết kiệm, thậm chí đăng ký vay vốn.
Ngoài ra, công nghệ giọng nói còn giúp người khiếm thị, người cao tuổi dễ tiếp cận ngân hàng số hơn. Dự báo, trong 5 năm tới, công nghệ giọng nói có thể định hình lại trật tự của ngành ngân hàng tại Việt Nam, hứa hẹn một hệ thống thanh toán rảnh tay và tiện lợi cho người dùng.
Tại sự kiện "Smart Banking" diễn ra cuối năm 2022, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, cho biết hiện nay các ngân hàng tại Việt Nam đều đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và việc áp dụng công nghệ mới để tăng tính cạnh tranh. Do đó, AI đang được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của ngân hàng như chăm sóc khách hàng, quản trị rủi ro, vận hành. Tuy nhiên, không ít bên vẫn còn tâm lý e dè và lo ngại các nguy cơ. Ông Việt cho biết, có ngân hàng rất thận trọng vì liên quan đến những vấn đề như: Dữ liệu để vận hành giải pháp AI sẽ xử lý thế nào? AI đóng vai trò là công cụ máy móc hỗ trợ con người, vậy ai là người chịu trách nhiệm chính?…
Theo ông Việt, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, trong khi người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, rất nhanh nhạy với những đổi mới công nghệ, thì giao dịch bằng giọng nói trong ngân hàng sẽ trở thành một lựa chọn mới vượt xa thanh toán truyền thống. "Các ngân hàng cần nhanh chóng có cơ chế đánh giá hiệu quả, rủi ro khi triển khai công nghệ một cách rõ ràng, đi cùng với một chiến lược sáng tạo công nghệ xuyên suốt", ông Việt nhấn mạnh.
Giao dịch bằng giọng nói dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI Voice Banking) đang được nhiều ngân hàng triển khai như: VP Bank, TP Bank, VIB Bank...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn