Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT quốc gia: Mừng ít, lo nhiều!

06:30 | 21/09/2016;
Lần đầu trong lịch sử, môn Giáo dục công dân dự kiến được đưa vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Điều này nhận được đồng thuận của giáo viên, tuy nhiên chính người dạy cũng rất lo lắng với thay đổi này.

Hơn 35 năm đứng trên bục giảng với bộ môn Giáo dục công dân, cô giáo Lê Thị Hồng Hoa (trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) rất tâm huyết khi cho rằng cần thiết khi đưa môn này vào cơ cấu thi. Theo cô Hoa, nếu trong phạm vi kiến thức của lớp 12, trong đó tập trung giáo dục đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống là rất hợp lý. “Kỳ thi mang ý nghĩa rất lớn về mặt giáo dục: Một công dân phải hiểu về pháp luật. Trong khi đó, ý thức chấp hành luật pháp và vấn đề đạo đức của học sinh hiện nay rất đáng báo động” - cô Hoa phân tích.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, cô giáo Lê Thị Hồng Hoa chia sẻ, giờ dạy của cô nhận được sự quan tâm, hào hứng của học sinh. Đơn giản bởi cô biết lựa chọn  các vấn đề pháp luật chặt chẽ, gần gũi, thiết thực, lồng ghép dạy kỹ năng sống, gắn với tình huống cụ thể để học sinh dễ hiểu. Ví dụ, nữ sinh mang thai ngoài ý muốn cần ứng xử thế nào, sử dụng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội như thế nào để không phạm luật…

“Đây cũng là những nội dung mà tôi mong muốn được thể hiện trong đề thi năm nay. Kiến thức luật pháp là một phạm vi rộng lớn, đề thi phải làm thế nào để đưa vào các khái niệm vi phạm pháp luật rõ nhất như phân biệt vi phạm hành chính, hình sự, các vấn đề về quyền tố tụng, khiếu nại tố cáo, quyền bất khả xâm phạm về nhân phẩm, danh dự…" - cô giáo Lê Thị Hồng Hoa chia sẻ.

hai-nguyen-thi-dh-013.jpg
 Giáo viên mong muốn bộ môn Giáo dục công dân sẽ được coi trọng như đúng bản chất của môn học. Ảnh: Đ.H.

Đối với cô giáo Trịnh Thị Thủy (trường THPT Chuyên Hà Tĩnh), việc thi môn này trong một kỳ thi quan trọng sẽ khiến vị thế của môn được xã hội chú ý nhiều hơn. Dù muốn hay không thì cũng không thể phủ nhận được thực tế là “có thi, có học”. Lâu nay, học sinh không thi môn này, vì thế môn học không gắn với nhu cầu trước mắt của các em nên các em có phần “lơ là”. Theo cô Thủy, gắn với việc thi, cũng là cách giúp học sinh chú trọng hơn đến vai trò không nhỏ của môn học.

“Bản chất của hệ thống môn học này là giúp học sinh cảm nhận và thấu hiểu ý nghĩa đạo đức và ý thức công dân. Đặc biệt lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống cho các em, cũng là nội dung quan trọng mà môn Giáo dục công dân hướng đến”, theo cô Thủy.

Tuy nhiên, điều mà cô Trịnh Thị Thủy lo lắng nhất hiện nay là chưa có khung mẫu về đề thi, cấu trúc ra đề. Vừa mong sớm có đề thi mẫu để giáo viên hình dung, hiện tại cô Thủy và một số giáo viên dạy môn này vừa chủ động ra các đề thi dạng trắc nghiệm để học sinh làm quen dần.

Cô Lê Thị Hồng Hoa thì lo lắng thời gian quá gấp gáp để giáo viên chuẩn bị bởi tài liệu ôn thi hạn chế. Riêng nội dung sách giáo khoa lớp 12 thì chưa đủ nhiều trong giải quyết các tình huống về pháp luật để hướng đến thi trắc nghiệm.

Về phía phụ huynh, học sinh cũng có rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Thậm chí có khá nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia giáo dục, người dân về việc dạy - học môn Giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay, Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vấn đề này trong những bài viết sau.





 

 

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn