Giáo dục sớm không làm mất tuổi thơ của trẻ

11:25 | 02/07/2022;
Quá trình áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho con trai đã được bà mẹ trẻ chia sẻ đầy tâm huyết.

Phương pháp giáo dục sớm từ lâu nay đã được biết đến như một cách nuôi dạy con của các bà mẹ hiện đại. Đây là phương thức giáo dục áp dụng đối với trẻ từ trong bào thai đến 6 tuổi nhằm phát huy những tố chất tốt đẹp, lấy tố chất xây dựng nên tính cách, từ đó làm cơ sở cho sự phát triển sau này.

Chị Phương (30 tuổi, sống tại Vũng Tàu) đã kiên trì nuôi dạy và chăm sóc con trai là bé Ken (hiện 2,5 tuổi) tuổi theo phương pháp giáo dục sớm. Thành quả chị nhận về khiến nhiều phụ huynh không khỏi nể phục. Dưới đây là những chia sẻ rất gần gũi và chân thành của bà mẹ trẻ về quá trình áp dụng các phương pháp này.

Giáo dục sớm giúp con mê sách, biết nói tròn vành rõ chữ và không bị ngọng

- Chị quan tâm tới giáo dục sớm từ khi em bé mấy tuổi và đã áp dụng vào việc dạy con như thế nào?

Mình rất may mắn khi biết tới giáo dục sớm ngay từ khi mang thai con trai đầu lòng. Thời điểm đó, mình đã mua các sách thai giáo dành cho mẹ bầu và đọc, nghe nhạc, trò chuyện với bé khi còn trong bụng mẹ.

Tới khi Ken chào đời thì mình cùng con tập các hoạt động như tummy time, đọc sách, kích thích thị giác phát triển. Con dưới 3 tháng thì cho con xem treo nôi đen trắng, tranh vải đen trắng kích thích thị giác, đọc sách truyện ehon, ít chữ, hình ảnh bắt mắt, lặp đi lặp lại để con phát triển vốn từ và dễ dàng đọng lại trong tiềm thức của bé.

Gia đình của chị Phương.

Lớn lên thì mình chơi và tương tác cùng con mỗi ngày, tạo thói quen đọc sách từ nhỏ nên Ken rất yêu sách và biết nói sớm. Không chỉ vậy, con nói tròn vành rõ chữ và không bị ngọng. Bạn ấy có vốn từ phong phú, diễn đạt đúng hoàn cảnh và mong muốn của mình, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi mẹ, biết mời ba mẹ, ông bà khi chuẩn bị ăn cơm. Đến giờ mình vẫn đọc sách hàng ngày cho Ken và Ken đọc được rất nhiều sách tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Mặc dù chưa biết chữ nhưng con nhận biết gần như tên tựa đề từng cuốn sách và đọc được nhiều nội dung ở trong sách.

Ưu và nhược điểm của phương pháp Easy và BLW (phương pháp ăn dặm do bé tự quyết định)

- Được biết, chị áp dụng phương pháp Easy ngay từ khi bé chào đời, có sự khác biệt nào giữa nuôi con theo kiểu tự nhiên và phương pháp khoa học hay không?

Về thói quen sinh hoạt: Mình cũng rất may mắn biết tới Easy từ hồi còn mang bầu Ken. Lúc đó, mình đã mua bộ 3 cuốn sách ''nuôi con không phải là cuộc chiến'' và đăng ký khóa học của tác giả sách nên Ken trộm vía hồi đấy khá ngoan, nề nếp, tự ngủ không cần bế hay hát ru. Mẹ cũng đỡ vất vả hơn, có thời gian đọc sách, học các khóa học phát triển bản thân và các khóa học về nuôi dạy con.

Thực ra cũng không hẳn là nhàn, mỗi mẹ sẽ có cách cảm nhận về sự nhàn hạ khác nhau. Riêng mình thấy nuôi con theo Easy, lúc đang trong quá trình tập luyện cũng cam go, mẹ phải niệm thần chú, kiên trì, hiểu rõ kiến thức và có sự đầu tư nhất định. Lúc mới tập, con chưa tự ngủ và chưa chuyển giấc tốt mẹ phải hỗ trợ và cũng gặp không ít khó khăn như nghe con khóc, nuôi con khác lạ quá so với phương pháp truyền thống là các mẹ chỉ cần cho con ngậm ti rồi bé sẽ ngủ luôn. Với Easy, con phải ăn, chơi đủ rồi mới ngủ chứ không phụ thuộc vào việc bú mẹ.

- Ưu điểm: Con học được cách tự ngủ, hình thành bản năng tự đưa mình vào giấc ngủ không phụ thuộc bố mẹ hay bú, mẹ đi vắng ai cũng có thể cho con ngủ dễ dàng, con được ăn rồi chơi sẽ tốt hơn cho quá trình tiêu hoá. Bên cạnh đó, con ngủ được giấc dài vì ăn đủ no, được vỗ ợ hơi,...

- Nhược điểm: Mẹ phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và kiên trì khi con chưa biết tự ngủ chuyển giấc, còng lưng hỗ trợ con.

Chị Phương thấy may mắn vì chăm con theo phương pháp khoa học.

Với phương pháp ăn dặm BLW: So với việc nuôi con theo kiểu truyền thống thì mình cảm thấy nuôi con khoa học rất tốt cho quá trình phát triển sau này.

- Ưu điểm: Ken ăn BLW từ hồi mới bắt đầu ăn dặm nên con học được kỹ năng cầm nắm, nhai, cảm nhận thức ăn, phát triển giác quan. Việc chạm và đưa thức ăn lên miệng, học màu sắc và kích thích thị giác, vị giác, khứu giác rất tốt cho bé. Con tự học ăn thô nên việc đi du lịch hay tiệc tùng gì cũng dễ dàng hơn, bố mẹ không phải vất vả xay nấu thức ăn riêng cồng kềnh mang theo. Con tự ăn và quyết định lượng thức ăn của mình nên sẽ hào hứng hơn.

- Nhược điểm: Thời gian mới tập luyện con không ăn được nhiều nên các mẹ sẽ lo lắng con đói. Ngoài ra, việc ăn uống gây vương vãi thức ăn đầy sàn nhà khá mất công dọn dẹp.

Giáo dục sớm có nghĩa là giáo dục đúng thời điểm, xin đừng hiểu lầm

- Giáo dục sớm có khiến việc làm mẹ của chị nhàn nhã hơn?

Giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm, cụm từ giáo dục sớm gây nên rất nhiều hiểu lầm tới các bố mẹ. Giáo dục sớm không có gì to tát hết, nó xuất phát từ những thói quen hàng ngày của gia đình: dạy con biết tự ngủ, tự ăn, tự vệ sinh, biết bộc lộ cảm xúc, chịu trách nhiệm, lễ phép, biết ơn,... tất cả đều là các hoạt động của giáo dục sớm. Không phải là đào tạo thi cử và cũng không quan trọng thành tích. Xin đừng hiểu lầm.

Giáo dục sớm là tạo môi trường cho con khám phá, trải nghiệm và có 1 nền tảng để phát triển toàn diện sau này. Lợi ích khi giáo dục sớm cho Ken có thể kể ra như sau:

- Ken được khơi gợi niềm đam mê yêu thích đọc sách, biết nói sớm nên cũng khá vượt trội về mặt ngôn ngữ.

- Con biết nhận thức tốt, tập trung và nhanh nhẹn, hoạt ngôn, kích hoạt khai mở được các tố chất tiềm năng cho con.

- Tư duy logic phát triển tốt, trí tưởng tượng phong phú, có tinh thần ham học.

Cậu bé Ken tinh nghịch, hiếu động và rất hợp tác với các phương pháp của mẹ.

Với bạn Ken thì mình nhận thấy con có khả năng bẩm sinh là bắt chước rất nhanh, theo sinh trắc vân tay bạn ấy thuộc chủng vân tay nước nên việc học và bắt chước là khá trộm vía. Đó cũng là mặt lợi tuy nhiên cũng có điểm hạn chế vì bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường xung quanh. Do đó con phải có môi trường tốt thì khả năng học hỏi và mức độ phát triển sẽ hiệu quả hơn.

Nuôi con phải trải qua rất nhiều giai đoạn, khi bé còn nhỏ thì khó có bố mẹ nào nhàn nhã được. Con cũng trải qua nhiều kỳ khủng hoảng để học cách lớn lên, giai đoạn wonder week để học kỹ năng lên 2, 3 tuổi. Nhưng khi được kích hoạt giáo dục sớm thì con sẽ vượt qua nhẹ nhàng hơn, mẹ nắm rõ tình hình thì sẽ đồng cảm và cùng con trải qua dễ dàng hơn.

Những em bé được giáo dục sớm là những em bé hạnh phúc, trí tuệ và bình an

- Gia đình có đồng tình với phương pháp giáo dục con của chị? Chị có lo lắng giáo dục sớm sẽ làm mất đi tuổi thơ và sự sáng tạo cần có của con không?

Phải nói mình may mắn khi có 1 người chồng tuyệt vời, anh khi nào cũng ủng hộ và hỗ trợ giúp đỡ mình hết lòng trong công cuộc nuôi con nhỏ. Anh luôn tán thành và tôn trọng quyết định của vợ vì anh thấy được kết quả tuyệt vời khi giáo dục và nuôi con theo phương pháp khoa học.

Mình chưa từng cảm thấy mất phương hướng, giai đoạn từ sơ sinh theo Easy thì Ken cũng khá hợp tác. Con hình thành nề nếp tự ngủ nhanh chóng, khi ăn dặm BLW con luôn ăn hết khẩu phần ăn, mẹ chịu khó kỳ công nấu, con không phụ lòng mẹ. Mình thấy kết quả tuyệt vời đó nên rất biết ơn và may mắn khi biết tới phương pháp khoa học tuyệt vời này.

Góc đồ chơi, truyện tranh của Ken.

Đến giờ Ken trộm vía cũng khá vượt trội, con hát và đọc sách tiếng Anh được kha khá, nhận biết rất tốt từ màu sắc, hình khối, chữ cái, con vật, các loại hoa, hành tinh. Những em bé được giáo dục sớm là những em bé hạnh phúc, trí tuệ và bình an.

Theo những kiến thức mình học được và dạy Ken thì mình không ép con học. Giáo dục sớm được ví như ăn cơm vậy, không cần phải nhiều nhưng phải đều đặn hàng ngày. Giáo dục sớm rất gần gũi, cho con trải nghiệm được sờ, được ngắm, được chạm, được nếm, con học qua trải nghiệm và trò chơi, học mà chơi - chơi mà học, không phải nhồi nhét sách vở hay ép học, do đó không thể nói là giáo dục sớm đánh mất tuổi thơ của con.

Có 1 câu nói mà mình rất tâm đắc của chuyên gia giáo dục sớm là cô Lại Thị Hải Lý hay nói gồm 16 chữ vàng: ''Học trong cuộc sống - Dạy qua trò chơi - Người dạy có ý - Trẻ học vô thức''. Ba mẹ là người người thầy đầu tiên của con, gia đình là ngôi trường tốt nhất của con.

Bà mẹ trẻ hoàn toàn hài lòng với phương pháp nuôi con mình lựa chọn.

- Chị đã thay đổi ra sao kể từ khi làm mẹ, và chị có hài lòng với hành trình làm mẹ của mình không?

Khi làm mẹ mình cảm thấy bản thân đã phát triển vượt bậc, thay đổi tư duy mạnh mẽ hơn, kiên trì, chịu khó, ham học hỏi và phát triển nhiều hơn khi được tiếp xúc với môi trường toàn những mẹ bỉm thông thái. Bên cạnh đó, mình còn tự chủ kinh tế, mê sách nên cũng cộng hưởng năng lượng đó. Mình đọc sách, học tập nhiều hơn để bắt kịp với sự phát triển của con. Mình đã cố gắng làm tốt nhất trong khả năng có thể, trau dồi kiến thức, kỹ năng nuôi dạy và có sự đầu tư cho con.

- Cảm ơn chị Phương!



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn