Giáo dục sớm không phải 'biết chữ sớm'

18:55 | 16/04/2016;
Theo Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và trí tuệ Việt, giáo dục sớm cho trẻ 0-6 tuổi sẽ phản tác dụng nếu áp dụng không đúng cách.
giao-duc-som.jpg
Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ nếu muốn áp dụng các phương pháp giáo dục sớm cho con thay vì chỉ chạy theo phong trào. Ảnh minh họa internet.
Nhiều phụ huynh có con trong “độ tuổi vàng” từ 0 đến 6 tuổi hy vọng giáo dục sớm có thể giúp con họ thông minh vượt trội.

Nhưng họ không hiểu cụ thể giáo dục sớm là gì mà chỉ nghĩ đơn giản là “học sớm”. Nhiều người đang hiểu lầm giáo dục sớm là một phương pháp, trong khi thực tế cụm từ giáo dục sớm chỉ là một thuật ngữ để mô tả các cách mà phụ huynh có thể hướng dẫn, dạy, chơi và đồng hành với con sớm (từ 0 đến 6 tuổi), giúp con phát triển năng lực tư duy tiềm ẩn. Giáo dục trẻ từ sớm không có gì là xấu, tuy nhiên cần áp dụng phương pháp phù hợp, linh hoạt, kiên trì, không ngắt quãng để có kết quả chứ đừng chạy theo phong trào.

Chính từ “sớm” khiến nhiều mẹ lầm tưởng rằng giáo dục sớm là dạy cho con biết chữ sớm, biết cộng trừ sớm hay dạy trước chương trình tiểu học. Hiểu như thế là sai, bởi thực tế phạm vi của giáo dục sớm sâu và rộng hơn nhiều.

Thực tế việc “giáo dục sớm” vẫn đang được các phụ huynh thực hiện hằng ngày với con, có điều chính họ cũng không hề biết. Tuy nhiên đa số bố mẹ mới dừng lại ở việc dạy con theo bản năng, kinh nghiệm chứ chưa nghiên cứu và thực hành một cách có hệ thống. Do đó, việc dạy con có khi đúng khi sai; thiếu kiên trì, liên tục dẫn đến những lỗ hổng trong việc phát triển và khai mở năng lực tư duy tiềm ẩn. Từ đó kết quả đạt được không như mong đợi.

Không có một phương pháp giáo dục nào là hoàn hảo có thể “hô biến” con bạn trở thành thiên tài. Mỗi phương pháp đều có giới hạn nhất định, đều có những ưu điểm và nhược điểm. Do đó, phụ huynh khi muốn áp dụng bất kỳ một phương pháp nào trong việc giáo dục con thì nên tìm hiểu thật kỹ; dành thời gian đọc tài liệu liên quan đến phương pháp đó một cách nghiêm túc, khi đã hiểu mới nên áp dụng cho con. Mỗi hệ phái giáo dục sớm hướng đến phát triển năng lực tư duy nhất định của con trẻ: Ngôn ngữ, vận động, cảm quan, thế giới xung quanh... Giống như việc uống thuốc, nếu không đọc kỹ hướng dẫn, áp dụng nửa vời dễ dẫn đến phản tác dụng.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn