Giáo dục sớm - lớp học trẻ ngồi lẫn với phụ huynh

16:55 | 29/06/2024;
Giáo dục sớm là hình thức cho trẻ làm quen với những kiến thức trong độ tuổi từ 0 - 6 tuổi. Cũng là học nhưng phương pháp này đem lại cho trẻ hứng thú, niềm vui hơn là sự gò bó. ép buộc...

Kích hoạt và phát triển tiềm năng ở trẻ

9 giờ 15 phút sáng thứ năm, lớp học của cô Nguyễn Thị Duyên (Viện Giáo dục Shichida Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu. Lớp có 3 học sinh nhí là Sóc 3 tuổi, Gấu 3 tuổi và Mật 3 tuổi. Ngoài ra còn có cả 3 phụ huynh đi học cùng con.

Theo lời cô, 3 bé xếp hàng lần lượt trước cửa lớp học. Sau đó cô Duyên cầm tay từng bạn, hướng dẫn các con gõ cửa rồi mời con vào lớp.

Không gian lớp học được bài trí theo phong cách Nhật Bản. Bàn ghế được sử dụng trong lớp này là loại bàn lớn hình vòng cung, sát hai bên đầu bàn kê hai tủ học liệu. Đặt trên bàn là bảng tên của các con được cô giáo vẽ tay theo sở thích của từng bé. Vừa vào lớp, Sóc, Gấu và Mật đã nhận ra ngay bảng tên của mình và ngồi đúng thứ tự cô giáo sắp xếp.

Giáo dục sớm – lớp học trẻ ngồi lẫn với phụ huynh- Ảnh 1.

Cha mẹ đồng hành với con trong giờ học

Buổi học bắt đầu với hoạt động nghe và hát theo nhạc. Bài hát của tuần này có tên là "Hickory Dickory Dock" với giai điệu sôi động, lời ca đơn giản. Các bé hào hứng vỗ tay, đồng thanh hát theo sự bắt nhịp của cô Duyên.

Bài hát kết thúc, các con tham gia vào hoạt động đầu tiên là tưởng tượng "biến thành thỏ". Dưới sự dẫn dắt của cô giáo, ba đứa nhóc đắm chìm trong thế giới tưởng tượng, say mê tạo ra những câu chuyện độc đáo.

Tiếp tục buổi học là các hoạt động rèn luyện tư duy như xếp hình, xúc đậu, blue board, linking memory, chụp hình 9 ô, chọn vật khác, nghe nhạc và vẽ tên lửa, hoa tulip,… Với các hoạt động phát triển ngôn ngữ, con được nghe kể chuyện, đọc thơ, được "học" với bảng chữ cái được in to, rõ nét. Ba học sinh được mẹ cầm tay chỉ vào từng chữ cái và đọc to theo mẹ.

Một hoạt động mà các con hứng thú nhất là xem tráo thẻ flashcard. Dường như đây là những phút tập trung nhất của các bé trong cả buổi học. Tốc độ tráo thẻ nhanh, các hình ảnh thay đổi liên tục đã thành công thu hút sự chú ý của các nhóc tì.

Cô Duyên chia sẻ mỗi buổi học như thế này sẽ diễn ra trong khoảng tầm 55 phút với khoảng 30 hoạt động. Các hoạt động tập trung vào việc kích hoạt 9 hệ thống giác quan khác nhau của trẻ. Một khoá học giáo dục sớm tại Viện Shichida gồm 11 buổi với thời lượng 1 buổi 1 tuần. Mỗi buổi học sẽ áp dụng giáo trình bài bản theo từng tuần phát triển của con.

Điểm khác biệt của "giáo dục sớm" nằm ở việc tập trung kích hoạt và phát triển những tiềm năng có sẵn ở trẻ, tối đa hoá khả năng nhận thức, cảm xúc của bé. Với "giáo dục sớm" ba mẹ áp dụng phương pháp này ngay từ khi con còn là trẻ sơ sinh.

Đến nay, tại Việt Nam đã có nhiều cơ sở đào tạo giáo dục sớm cho trẻ khá phát triển như: Viện giáo dục Shichida, Merbaby Academy, Trung tâm giáo dục đặc biệt Yaki, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục sớm EPEL,…

Dạy cả trẻ lẫn... người lớn

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, giáo dục sớm là một khoa học giáo dục về não bộ, thực chất là quá trình trẻ học mọi thứ xung quanh mình. Chính vì vậy, giáo dục sớm bắt đầu ngay từ trong thai kỳ, khi thai nhi phát triển đầy đủ các giác quan để đón nhận mọi kích thích từ môi trường bên ngoài.

Giáo dục đánh thức năng lực tiềm ẩn và vô hạn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (bộ não đang phát triển) bởi bản chất của giáo dục sớm là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, nhưng phải được được kích thích và rèn luyện một cách phù hợp nhằm nâng cao tố chất cơ bản. 

So với với các cấp giáo dục khác, "Giáo dục sớm" không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức mà còn nhấn mạnh đến sự phát triển về thể chất, xã hội, cảm xúc và nhận thức của trẻ.

Chị Bùi Thị Thuý Giám đốc Shichida cơ sở Nam Từ Liêm) cho biết: "Khi tham gia các lớp học giáo dục thuở ấu thơ, các con không học một môn học cụ thể như môn Toán, môn Văn, tiếng Anh,… hay phát triển trau dồi kỹ năng sống. Ở phương pháp giáo dục sớm tập trung vào phát triển não bộ, nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí giúp trẻ em có thể phát triển các kỹ năng phi nhận thức thông qua việc tương tác."

Một trong những phương pháp giảng dạy chủ đạo trong "Giáo dục sớm" là biến những trò chơi thành những cơ hội để học và làm cho những việc này trở nên vui nhộn.


Giáo dục sớm – lớp học trẻ ngồi lẫn với phụ huynh- Ảnh 2.

Những ông bố cũng "tranh phần" đưa con đến lớp

Một điều đặc biệt nữa ở các lớp học giáo dục sớm, ngoài cô giáo thì bố hoặc mẹ cũng sẽ là người đồng hành cùng con trong suốt buổi học. Những buổi học như thế này không chỉ để các bậc phụ huynh hiểu con hơn mà còn giúp gắn kết tình cảm, tạo sợi dây liên kết trực giác giữa con và ba mẹ.

Cô Trần Thị Khánh Linh - giáo viên tại Trung tâm nghiên cứu và đào tạo giáo dục Merbaby Academy cho biết ngoài giảng dạy trên lớp, các cô giáo cũng sẽ di chuyển đến dạy tại nhà.

Việc áp dụng các phương pháp giáo dục sớm cũng cần dựa trên khả năng, sự hợp tác của trẻ. Những giáo viên như cô Linh sẽ là người hỗ trợ, đồng hành cùng ba mẹ định hướng phương pháp giáo dục theo từng quá trình phát triển của con.

Chuyện dạy trẻ đã khó, chuyện giúp phụ huynh khắc phục được những yếu điểm của bản thân trong quá trình nuôi dạy con trưởng thành lại càng khó hơn.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn