Mề đay xảy ra khi các mao mạch trên da phản ứng với những yếu tố kích thích tạo thành các đợt phù cấp hoặc mãn tính ở trung bì ở một vùng hoặc toàn thân. Bị nổi mề đay khiến da bị phát ban bao gồm các nốt sần nổi cao hẳn trên mặt da, thường có màu nhạt/đỏ hơn so với vùng da xung quanh kèm theo ngứa ngáy khó chịu. Giảm ngứa mề đay đúng khách sẽ giúp giảm các nguy cơ nhiễm trùng da do gãi nhiều dẫn tới tổn thương.
Theo WebMD và Healthline, dưới đây là một số cách giảm ngứa do bị nổi mề đay mà bạn có thể tham khảo.
Chườm lạnh là cách giảm ngứa mề đay nhanh và phổ biến nhất tại nhà. Cảm giác mát lạnh từ túi chườm đá có thể giúp làm dịu da, giảm kích ứng từ đó giảm cơn ngứa ngáy và sưng khó chịu.
Cách thực hiện chườm đá giảm ngứa rất đơn giản, bạn sử dụng các loại túi chườm chuyên dụng hoặc bọc đá bằng khăn cotton mềm (tuyệt đối không chườm đá trực tiếp lên da vì có thể gây kích ứng da thêm và thậm chí là bỏng lạnh) rồi chườm lên vùng da bị ngứa mề đay từ 5 - 10 phút mỗi lần.
Yến mạch có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, sử dụng yến mạch để tắm có thể giúp làm dịu vùng da bị ngứa và bảo vệ da hiệu quả bằng cách giảm cytokine gây viêm da.
Yến mạch dạng keo (Colloidal oatmeal) là loại bột yến mạch có nguồn gốc từ yến mạch tự nhiên thường được sử dụng để hòa vào bồn tắm hoặc bạn có thể tìm thấy yến mạch dạng keo có trong một số loại sữa tắm trên thị trường.
Khi tắm, cần đảm bảo nước không quá nóng vì nhiệt độ nước quá cao có thể khiến các nốt mẩn ngứa do mề đay trở nên tồi tệ hơn. Nếu tắm bồn, bạn cần đổ khoảng 1 cốc bột yến mạch dạng keo ngay dưới vòi nước chảy để việc hòa tan bột yến mạch vào nước được tốt hơn. Tới khi bồn tắm chuyển sang màu trắng giống như sữa và có cảm giác "mịn, mượt" nghĩa là nước đã sẵn sàng để tắm.
Nên ngâm mình trong bồn tắm pha yến mạch trong khoảng 15 phút để giảm ngứa mề đay hiệu quả. Không nên ngâm quá lâu vì da có thể bị khô hơn và khiến tình trạng viêm tăng lên. Sau khi tắm xong, nên sử dụng các loại khăn tắm có chất liệu cotton mềm thấm và vỗ nhẹ để da khô thay vì chà xát mạnh.
Nếu các biện pháp chườm lạnh hay tắm với yến mạch không giúp giảm ngứa mề đay, thuốc kháng histamin không kê đơn hoặc các loại kem bôi có thể có hiệu quả.
- Thuốc kháng histamin không kê đơn: Chẳng hạn như Cetirizine, diphenhydramine, loratadine có tác dụng phản ứng histamin của cơ thể, được giải phóng bởi tế bào mast - một loại tế bào của hệ thống miễn dịch khi có chất gây dị ứng hoặc chất kích ứng. Từ đó giúp người bị nổi mề đay giảm sẩn ngứa.
Lưu ý, một số loại thuốc kháng histamin có thể có tác dụng phụ như buồn ngủ. Đảm bảo dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn trên nhãn thuốc, không tự ý tăng liều vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
- Chữa ngứa mề đay bằng kem bôi chống ngứa: Thuốc bôi hoặc kem bôi chống ngứa cũng có thể giúp giảm ngứa mề đay tạm thời, chẳng hạn như thuốc bôi calamine có chữa kẽm oxit hay kem hydrocortisone. Tuy nhiên, thuốc bôi có thể nhạy cảm với một số người, chẳng hạn như trẻ em.
Trẻ bị nổi mề đay ngứa có thể phản ứng xấu với thuốc bôi chứa cortisteroid. Do vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc bôi nào để giảm ngứa mề đay, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là mề đay ở trẻ em hay bị nổi mề đay toàn thân.
- Thuốc theo đơn: Đôi khi bác sĩ cần phải kê đơn thuốc để giảm ngứa mề đay nếu cần thiết. Đó có thể là thuốc bôi, thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Do các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như giữ nước, tăng cân, nhiễm trùng, da và tóc mỏng đi, đau đầu, mụn trứng cá, đau dạ dày, khó ngủ, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn,... nên cần được sử dụng dưới chỉ dẫn của bác sĩ.
Khi bị nổi mề đay, nên lựa chọn quần áo rộng rãi với chất liệu mềm mại, thân thiện với làn da, tránh các loại quần áo có thể gây kích ứng như len. Điều này sẽ giúp giảm ma sát và kích ứng da, tránh cho tình trạng ngứa do mề đay trở nên nghiêm trọng hơn.
Các biện pháp tự nhiên giảm ngứa mề đay như bôi lô hội hay chiết xuất cây phỉ, dầu dừa, trà lá tầm ma, bột nghệ, bột gừng,... có thể đem lại một số tác dụng hỗ trợ giảm ngứa, chống viêm nhờ đặc tính chống oxy hóa cao.
Nhưng tùy từng thể trạng mà mức độ đáp ứng giảm ngứa mề đay bằng biện pháp tự nhiên có thể khác biệt. Hơn nữa, mặc dù là thành phần tự nhiên nhưng với người có da nhạy cảm cũng có thể bị kích ứng. Khi mới dùng nên bắt đầu với một lượng nhỏ và quan sát phản ứng của cơ thể rồi mới sử dụng thêm. Hơn nữa, không nên lạm dụng bôi quá nhiều vì có thể dẫn tới kích ứng da.
+ Bôi dầu dừa: Lấy ½ thìa dầu dừa hoặc trộn ½ thìa dầu ô liu và ½ thìa dầu dừa để tăng khả năng dưỡng ẩm. Nhẹ nhàng massage lên vùng da bị ngứa.
+ Bôi lô hội: Bôi trực tiếp lên khu vực da bị ngứa mỗi ngày một lần, để khoảng một vài giờ rồi rửa lại bằng nước sạch.
+ Bôi mật ong: Trộn 1 thìa cà phê mật ong và một chút bột quế để tạo thành hỗn hợp dạng sệt. Sau đó bôi trực tiếp hỗn hợp đã chuẩn bị lên vùng da bị ngứa do mề đay. Khi lớp bôi khô đi thì rửa bằng nước sạch.
+ Bôi bột nghệ: Trộn 1 thìa cà phê bột nghệ và 1 thìa cà phê dầu dừa để tạo thành hỗn hợp dạng sệt. Bôi hỗn hợp này lên vùng da bị mề đay mỗi ngày một lần.
+ Bột gừng: Trộn 1 thìa bột gừng với 1 thìa mật ong. Bôi hỗn hợp này lên nốt mề đay và để nguyên trong nửa gi, sau đó rửa sạch da bằng nước.
Ngoài các biện pháp giảm ngứa mề đay nhanh tại nhà kể trên, người bị mề đay cần chú ý tới các triệu chứng bất thường của cơ thể khi cơn ngứa do mề đay xảy ra cũng như tần suất, thời gian các đợt ngứa mề đay kéo dài bao lâu thì hết.
Mặc dù bị ngứa mề đay là một tình trạng không hiếm gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ thời tiết tới thức ăn, lông thú cưng, mạt bụi, nấm mốc,... và hầu hết các trường hợp nổi mề đay sẽ tự khỏi và bạn có thể sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà để làm dịu các triệu chứng khó chịu.
Nhưng nếu các nốt ngứa mề đay kéo dài hơn vài ngày hoặc bị ngứa da kèm theo các biểu hiện phù mạch như sưng môi/mặt/lưỡi, buồn nôn và nôn mửa, tim đập nhanh, rét run, sưng hoặc căng lên ở đường thở, ngất xỉu, chóng mặt, huyết áp giảm đột ngột, phát ban sẩn ngứa toàn thân thì cần nhanh chóng di chuyển tới cơ sở y tế gần nhất, đề phòng sốc phản vệ nguy hiểm tới tính mạng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn