Tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), số trẻ nhập viện có tăng, một số trẻ phải nằm ghép giường điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam (Trung tâm Nhi khoa) cho biết, theo dịch tễ bệnh dịch, năm nào, vào tháng 10, số trẻ nhập viện đều gia tăng, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân do thời điểm giao mùa, trẻ thường mắc một số bệnh đường hô hấp.
Mặc dù là hiện tượng theo chu kỳ nhưng bác sĩ Đoàn Việt Cường, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), chỉ ra điều đáng lo ngại trong quá trình tiếp nhận điều trị bệnh nhi thời gian gần đây là tình trạng nhiều phụ huynh tự ý dùng thuốc cho con theo đơn cũ, theo đơn của trẻ khác hoặc tự ra hiệu thuốc mua.
"Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, nhiều diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nuôi và chăm sóc trẻ được lập ra trên mạng xã hội. Điều này về cơ bản là tốt, giúp các mẹ bỉm sữa lần đầu nuôi con có thể học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế, đó chỉ là thông tin mang tính tham khảo, không thể thay thế cho chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, nhiều cha mẹ tự điều trị cho con bằng thuốc kháng sinh, thuốc singular", bác sĩ Cường cho hay.
Bác sĩ Đoàn Việt Cường cho biết, singular là loại thuốc được chỉ định điều trị dự phòng hen ở người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi. Ngoài ra, singular cũng được chỉ định trong việc điều trị giảm triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng, đặc biệt là viêm mũi dị ứng theo mùa ở trẻ trên 2 tuổi và viêm mũi dị ứng quanh năm cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Theo nhiều chuyên gia y tế, vì các dữ liệu an toàn chưa đủ nên việc sử dụng thuốc này ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú là không được khuyến cáo, chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và cân nhắc lợi ích vượt nguy cơ.
Đã có nhiều báo cáo ghi nhận các biến cố về thần kinh khi sử dụng singular (Montelukast) như: rối loạn giấc ngủ, trạng thái kích động hoặc trầm cảm, ý nghĩ và hành vi tự sát sau khi ngưng sử dụng thuốc này. Cơ quan quản lý y tế của Pháp, Mỹ, Canada đều có các khuyến cáo về vấn đề này.
"Thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ đúng liều lượng, đúng đường dùng, đúng thời gian sử dụng thuốc. Nếu trong quá trình dùng thuốc thấy có bất cứ vấn đề gì khác lạ thì nên thông tin cho bác sĩ điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị theo dạng kinh nghiệm hoặc điều trị theo đơn thuốc của người khác, cũng không tự ý mua thuốc tại nhà thuốc", bác sĩ Đoàn Việt Cường nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Đoàn Việt Cường, để phòng tránh bệnh lý tai mũi họng và viêm đường hô hấp, cha mẹ cần làm tốt các việc sau:
- Giữ ấm đường thở cho trẻ, đặc biệt là các vị trí như mũi, miệng, họng, cổ, ngực.
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý ấm hàng ngày. Thường xuyên vệ sinh tay trước khi ăn, sau khi chơi và đi vệ sinh, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Uống nhiều nước ấm vì nước sẽ giúp bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn, virus vào cơ thể trẻ, tránh táo bón.
- Hạn chế đến những nơi đông người, tới những nơi chật hẹp, ẩm thấp. Hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện sốt, ho, chảy mũi
- Tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn