Sao lại thừa nhiều giáo viên đến thế?
Nói về những khó khăn của ngành sư phạm, đặc biệt đầu vào rớt thê thảm mùa tuyển sinh năm nay, Phó Thủ tương Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc dự báo nguồn nhân lực ngành sư phạm còn yếu.
“Không một ngành nào biết trước nhu cầu thị trường tốt bằng ngành giáo dục. Thế nhưng làm sao thừa nhiều giáo viên (GV) đến thế? Các ngành khác, hỏi vì sao thừa còn khó trả lời, nhưng với ngành giáo dục, có ai trả lời được tại sao vẫn không dự báo được?” - ông nêu vấn đề.
Không dự báo nhu cầu, đào tạo tràn lan, điều mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh chính là thực trạng thừa - thiếu GV cục bộ, môn thừa môn thiếu, trường thừa trường thiếu. Trong khi vẫn đang thiếu hàng chục nghìn GV mầm non thì các tỉnh “ngại” đụng chạm đến đội ngũ GV thừa. “Không bồi dưỡng để chuyển đổi nên thiếu cứ thiếu, thừa vẫn cứ thừa. Đây là trách nhiệm của cả Bộ GD&ĐT và địa phương” - ông nói.
Theo Phó Thủ tướng, thuận lợi rất lớn của ngành giáo dục là hệ thống phòng, sở GD&ĐT, có thể dự báo được số lượng học sinh, thậm chí có thể dự báo được hàng năm biên chế bao nhiêu GV cho từng môn học, từng cấp học.
Ông nhấn mạnh. thừa GV dẫn đến nhiều hệ lụy nhưng hệ lụy lớn nhất không có gì để hấp dẫn người học. Trong khi đó, không nâng được chế độ đãi ngộ GV thì càng khó hấp dẫn.
“Thực trạng là gì? Nhiều em ra trường không xin được việc. Tôi nói một cách công khai là “chạy việc rất khó, rất nhiều thầy cô thậm chí vừa dạy vừa “mai phục”, nghĩa là dạy hợp đồng trong trường rồi mà nhấp nhổm chờ vào được một chân biên chế. Mình hoàn toàn nắm được số lượng cử nhân mỗi năm, nếu làm nghiêm túc thì căn cứ vào đó để định hướng đào tạo, bồi dưỡng GV cho từng địa phương” - Phó thủ tướng yêu cầu.
Thí sinh ảo: Các trường hãy ngừng “kêu ca”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng đặt ra nhiều “đầu bài” cho ngành giáo dục ngay trong năm học mới, trong đó tập trung khâu thi cử, tuyển sinh, trang bị cơ sở vật chất…
Ông mong muốn các trường ĐH xem xét lại việc “kêu ca” do nhiều thí sinh ảo. Thi cử và tuyển sinh cũng là tự chủ, chuyện thí sinh ảo các trường có thể tự giải quyết, không nên khó một tí là “kêu”.
“Các trường không nên nặng nề về tỉ lệ ảo và xem đây là điều rất bình thường. Ở nước ngoài, một học sinh có thể đăng ký mấy chục trường, nhưng em đó chỉ chọn một trường, các trường khác phải chịu “ảo” thôi và các trường cũng có kêu đâu, sao các thầy cô cứ kêu?” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Về kỳ thi THPT Quốc gia, theo Phó Thủ tướng, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc việc chia nhỏ 3 môn thành phần trong hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
“Cần xem xét có nhất thiết chia bài thi KHTN và KHXH thành 3 môn nhỏ không? Bởi cách thi này làm phức tạp hóa nhiều khâu như ra đề thi, in đề thi, tổ chức… khiến học sinh rất mệt mỏi. Cần tính toán lại cho năm tới, trên tinh thần vì học sinh” - Phó Thủ tướng đề nghị.
Liên quan đến cơ sở vật chất, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần chủ động và quan tâm nhiều hơn nữa đến việc trang bị mới cho các trường trong năm học mới.
“Ngay ở Hà Nội và TP.HCM, chưa đủ cơ sở để học sinh tiểu học học đủ hai buổi, nói gì đến vùng sâu xa. Ngân sách thì đầu tư trung hạn nhưng từng địa phương nếu chú ý thì có thể có bước chuẩn bị tốt hơn. Tôi đề nghị các địa phương cần chủ động, quan tâm hơn đến vấn đề này!” - ông nói.