GS Hoàng Bá Thịnh Ảnh: Tùng Anh |
Theo GS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về giới, dân số, môi truờng và các vấn đề xã hội (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội), đại diện Ban đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, cho biết, bộ sách giáo khoa mới sẽ có những sửa đổi về hình ảnh và nội dung nhằm tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới. Theo đó, sẽ không còn mô tuýp người phụ nữ gắn liền với những việc yếu, việc nhỏ, còn nam giới thì làm những việc lớn, nhiều sức mạnh.
“Ví dụ những bài học ở trong môi trường gia đình, những việc sinh hoạt như nội trợ rồi trồng rau, nuôi gà chỉ thấy toàn hình ảnh người mẹ hoặc em gái. Nếu tiếp tục để như thế sẽ ảnh hưởng đến tư duy học sinh. Các em sẽ nghĩ đó là những công việc chỉ dành cho phụ nữ. Vì vậy cần tăng thêm hình ảnh bé trai, tăng thêm vai trò người chồng trong những việc gia đình, thậm chí là nội trợ...”.
Cũng theo GS Hoàng Bá Thịnh, hiện trong những bài học của môn giáo dục công dân chưa cập nhật đầy đủ quan điểm về bình đẳng giới.
Tranh minh họa Kiều báo ân báo oán (st) |
“Hoặc trong chương trình Ngữ văn lớp 10 có trích dẫn những bài văn, đoạn văn cổ điển thì chủ yếu về thân phận người phụ nữ. Thậm chí trong Truyện Kiều có 2 đoạn trích dẫn về chuyện Kiều than thân. Như vậy tạo nên một bức tranh đầy màu xám về những người phụ nữ. Tôi nghĩ có thể để một đoạn Kiều than thân còn đoạn còn lại có thể chọn đoạn Kiều xử án (còn gọi Kiều báo ân báo oán-PV) chẳng hạn,... Có như vậy chúng ta mới thấy sự thay đổi hình tượng nhân vật nữ, không chỉ cứ "đóng đinh" mãi phụ nữ gắn với đau khổ, bi lụy, than thân trách phận”, ông Thịnh nêu quan điểm.
GS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, ngay các câu ca dao tục ngữ được sử dụng trong SGK thời gian tới cũng sẽ giảm bớt những câu than thở hay về nỗi mất mát của người phụ nữ. Thay vào đó, SGK mới sẽ sử dụng những câu tục ngữ tươi sáng hơn về vai trò và những đóng góp của người phụ nữ trong xã hội.
Ngoài việc cần chọn lọc lại nội dung đưa vào SGK, GS hoàng Bá Thịnh còn cho rằng cần lưu ý cả phần hình ảnh. “Ví dụ trong cuốn tự nhiên xã hội lớp 1 hiện tại phần lớn là hình ảnh cô giáo và học sinh. Nếu tiếp tục để như thế sẽ hàm ý rằng giáo dục tiểu học là chỉ có các cô giáo thôi, mà không có các thầy giáo. Chúng ta sẽ thay đổi, tăng thêm hình ảnh người thầy giáo trong lòng học sinh”.
Ông Thịnh cho biết, Ban Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sẽ kiến nghị với Bộ GD ĐT về những thay đổi trong sách giáo khoa mới: “Tất cả những hình ảnh, nội dung sẽ phải được xem xét với tỷ lệ cân bằng giữa nam và nữ. Sẽ có hình ảnh học sinh nữ đá bóng, đá cầu, bé trai quét nhà rửa bát, hình ảnh thân phận người phụ nữ cũng sẽ được trình bày sáng sủa hơn…".