Ở Paris luôn có nhiều chương trình biểu diễn hấp dẫn về ca nhạc, sân khấu biểu hiện một phần văn hóa của Paris và cũng là của nước Pháp.
Nhà hát Lido là nơi tiêu biểu nhất cho nghệ thuật múa hát của Paris. Trên đại lộ Élysée, một khoảng trời rực sáng như ngày hội. Lido biểu diễn theo 2 khung giờ: 9 giờ đến 11 giờ và từ 11 giờ đến 1 giờ khuya. Khái niệm thời gian ở đây không gò bó nghệ thuật giải trí. Nhà hát Lido tọa lạc ở quảng trường, đại lộ Élysée một địa điểm tối ưu và có ý nghĩa lịch sử của Paris. Ngày 28/6/1944 dân Paris đã đón tướng De Gaulle tại đại lộ này. Đó là ngày Paris được giải phóng, xe của tướng De Gaulle chạy qua Khải hoàn môn trước sự chào đón của mọi người. De Gaulle lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Phát xít. Ông tuyên bố: "Dù trong hoàn cảnh nào ngọn lửa kháng chiến cũng không ngừng cháy". Nhưng De Gaulle lại là người bảo thủ, hẹp hòi không chấp nhận quyền độc lập tự do của Việt Nam và chỉ xem Việt Nam tự chủ trong khuôn khổ khối Liên hiệp Pháp.
Đã qua đi một thời của De Gaulle, đại lộ Élysée vẫn còn đó, rực rỡ đèn hoa. Chúng tôi đi qua đại lộ đến nhà hát Lido. Con đường vào nhà hát rực sáng và lối đi vào như vào một cung điện nhỏ. Chúng tôi mua vé. Có 3 loại: hạng nhất 130 euro vừa xem hát vừa ăn nhẹ, hạng 110 euro và cuối cùng là 90 euro. Tôi và anh Tiến Thọ vào trước. Các anh, chị: Nguyễn Thế Kỷ, Trần Khánh Chương, Nguyễn Văn Hải, Thanh Huyền đi sau. Tôi nói với anh Thọ: “Cứ vào trước, họ đến sau sẽ được dẫn tới chỗ mình”. Tôi nói với người kiểm soát: "Mắt tôi kém, đề nghị cho tôi ngồi gần, ngồi xa sẽ không xem được gì". Người dẫn nhìn tôi với cặp kính râm, ông gật đầu và đưa hai chúng tôi ngồi bên cánh trái, sát sân khấu. Thỉnh thoảng tôi vẫn đặt tay lên thành sân khấu bằng gỗ mát dịu. Một số đựng đá ngâm các chai champagne.
Trình diễn nghệ thuật ở Nhà hát Lido
Thật khó để miêu tả chương trình biểu diễn Lido. Sân khấu có 2 phần, phần bên trong có thể dựng sàn đứng lên đến tầng cao cho cả đoàn hợp xướng đứng hát. Phần sân khấu nhô ra bên ngoài rộng khoảng gần trăm thước vuông, cơ động, có thể nhô lên, tụt xuống theo yêu cầu của vở diễn. Xen lẫn giữa các tiết mục có hề, ảo thuật, trượt băng. Người xem thường reo hò khi thấy tiết mục hay. Tiết mục hề không hấp dẫn gì. Cười vẫn là chuyện của người bản xứ, đồng cảm, hưởng ứng. Nói như bà Dimitrova đến Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ, bà đi trên ô tô với một số nhà văn. Các nhà văn kể chuyện cười và cùng cười ngặt nghẽo. Bà đề nghị dịch và chẳng thấy thú vị gì. Không dễ tạo được tiếng cười chung cho công chúng nhiều nước. Sân khấu Lido cũng có màn biểu diễn với ngựa và voi gây ấn tượng và sức hấp dẫn của xiếc. Nhưng chủ yếu là các màn múa mà đội quân nữ là chủ lực. Những nữ diễn viên xinh đẹp đều nhau về chiều cao, về chân dài, về dáng người, về gương mặt đẹp. Đặc biệt trong từng chi tiết múa đều được chỉ đạo tỉ mỉ. Các màn múa hàng mấy chục nữ khoác voan mỏng, thoáng che đậy một phần nhỏ cơ thể và nhảy nhót tung hoành mà nhịp nhàng, yểu điệu. Tôi ngồi gần sân khấu, lắm lúc áo choàng của nữ diễn viên tung bay mát cả người xem.
Lido là múa văn hóa không hề gợi tính dục. Cái đẹp chiếm lĩnh và tạo cảm hứng nghệ thuật thi vị cho người xem. Sân khấu bên ngoài được sử dụng linh hoạt, có lúc từ dưới đội lên một tòa tháp có nhiều ô cửa và mỗi tiên nữ chấn một ô cửa múa rồi lại trở về đứng nghiêm như pho tượng. Có màn múa xen lẫn nam và nữ. Diễn viên nam đậm người, trông như những tráng sĩ hòa hợp với các nữ diễn viên mảnh mai xinh đẹp. Lido diễn liên tục trong 2 tiếng và kết thúc vào lúc 11 giờ. Đông đảo người xem sô diễn 11 giờ đến 1 giờ đêm lại lần lượt chen nhau vào rạp. Có người nói hay thì hay thật, đẹp thì đẹp thật nhưng quá đắt. Nhưng đa số đều cảm thấy tiền nào của ấy. Đây là nghệ thuật hàng hiệu khác với nghệ thuật hàng chợ thường thấy ở các phong trào ca hát đường phố.
Ngày mai, ngoài công việc chung còn một chút thời gian dành cho việc mua sắm một chút kỷ niệm. Paris là thành phố của thương hiệu. Có những thương hiệu dành cho các chính khách. Trong chuyến thăm Paris lần trước, chỉ có trưởng đoàn Trần Mai Hạnh là dám mua một bộ complet của chính khách. Và hôm nay, nhu cầu về thương hiệu khá phổ biến. Một bà vợ Bộ trưởng không thể xách chiếc túi nữ cỡ 1 triệu bạc, mất thể diện cả mình lẫn chồng. Túi xách của bà phải từ mười triệu và nhiều mười triệu trở lên. Thương hiệu túi ở Paris là hiệu Louis Vuitton - một hàng hiệu có từ thế kỷ XIX và nổi tiếng thế giới. Đoàn quyết định ghé xem. Cửa hàng Louis Vuitton có một cách trang hoàng lộng lẫy. Mở cửa bước vào cũng như các cửa hiệu sang trọng khác, thường có một người đàn ông cao to, ăn mặc chỉnh tề. Ông không nói năng gì, chỉ giơ tay về phía phải, dấu hiệu mời khách vào, tiếp theo là một tiếp viên nữ người phương Đông, ăn mặc màu đen, dáng đẹp, không nói năng gì. Tôi cũng khó đoán ra cô là người nước nào: Trung Quốc, Nhật Bản hay Philippines. Tôi tò mò hỏi: “Thưa cô, trông cô rất quen thuộc, cô là người Trung Quốc?”.
Một trung tâm hàng hiệu
Cô gật đầu mỉm cười và nói: "Vâng, tôi là người Trung Quốc". Người Trung Quốc có mặt khắp nơi ở Paris, từ chỗ sang trọng đến nơi công việc vất vả.
- Cô chỉ cho khu vực bán túi Louis Vuitton.
Cô đi cùng đoàn đến quầy hàng bán các loại túi xách cao cấp.
Rất nhiều túi đẹp, túi da bò, da cá sấu, da đà điểu. Xách một cái túi đẹp lại phải hòa hợp với một bộ quần áo, một đôi giày đẹp. Các chính khách chiều vợ và người tình, phải chiều đến cùng, không thể cọc cạch được. Các anh trong đoàn chủ yếu là ngắm nhìn và một anh mua một túi khoảng dưới mười triệu. Cũng là món quà quý tặng vợ. Đoàn lại lên xe, tìm đến một thương hiệu khác: nước hoa Paris. Các anh Tiến Thọ, Nguyễn Thế Kỷ nhiều lần đến Paris nên cũng hiểu biết và có nhiều kinh nghiệm. Đoàn thống nhất tìm đến thương hiệu nước hoa cao cấp. Anh Thế Kỷ giới thiệu nước hoa Lancome, anh Tiến Thọ giới thiệu nước hoa Channel. Hai loại nước hoa cao cấp trên nổi tiếng trên thế giới. Vào một hiệu nước hoa trang hoàng lộng lẫy ở trung tâm thành phố, anh Thế Kỷ giúp tôi chọn nước hoa Lancome. Có 2 loại, loại chai to sang trọng giá 50 euro (khoảng triệu rưỡi tiền Việt) và loại nhỏ gồm 4 chai nhỏ đóng chung trong 1 hộp cùng giá tiền tương đương. Buổi tối về, tôi mở ra xem các loại lọ nhỏ. Mỗi lọ nhỏ là một kiểu dáng riêng và hương vị riêng. Có loại thơm dịu ngọt ngào, với dư vị đắm đuối. Có loại mùi thơm hơi mạnh cho phụ nữ, có yếu tố nam tính. Xinh xinh những lọ nước hoa nhỏ của Lancome là quà thích hợp. Còn biết bao thứ hấp dẫn của thành phố hoa lệ này.
Bên cạnh hàng hiệu, Paris có nhiều loại hàng dân dã. Ở dưới những vòm cây xanh bên đường thỉnh thoảng lại mọc lên những chợ giời tự phát bán quần áo, túi xách, các thứ hàng hóa vật dụng. Cũ người mới ta, nhiều thứ cũng còn mới, chủ không ưa dùng vì lỗi thời, lỗi mốt nhưng trông cũng ưa mắt. Đoàn thỉnh thoảng bắt gặp và ghé qua. Đúng là thượng vàng hạ cám, loại nào cũng có ích. Riêng với tôi tuổi cao, nhu cầu giảm dần, chỉ thích mua thuốc, nhưng sử dụng thuốc lại cũng không dễ dàng, phải có bác sĩ cho đơn chỉ dẫn.
Paris, màn đêm bao phủ dần nhưng thành phố vẫn thức, các tiệm nhảy, các cửa hàng ăn, các câu lạc bộ nghệ thuật vẫn hoạt động... Chúng tôi không thể thức cùng Paris. Sáng mai tạm biệt Paris để sang thăm Đức, một quốc gia mạnh của Liên minh châu Âu.
“Paris, hai mùa thu gặp lại” là những trang viết chân thực về cái thấy, cái nghe trong những chuyến đi ngắn ngày đến một thành phố lớn. Ký sự cũng là những trang viết vội vàng nhưng người viết bày tỏ cảm nghĩ chân thành về một Paris trong mắt tôi với những kỷ niệm khó quên. |