Giáo sư Nguyễn Lân Dũng băn khoăn về sự thành bại của chương trình song bằng

18:16 | 02/08/2018;
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khi nói về chương trình thí điểm song bằng tại Hà Nội đã lo ngại rằng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu thí điểm song bằng ở Hà Nội không thành công?

Phát biểu tại hội thảo “Dịch vụ giáo dục có thu phí trong hệ thống trường công” do báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chiều nay 2/8, GS Nguyễn Lân Dũng đã có những chia sẻ thể hiện sự lo ngại về chương trình thí điểm đào tạo song bằng đang triển khai tại một số trường công Hà Nội.

nld-2.jpg
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về chương trình song bằng
 

Theo GS Lân Dũng, Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge chỉ cung cấp tài liệu và tổ chức khảo thí, thế nhưng thực tế nước ta triển khai dạy thế nào thì họ không quan tâm.

Ông thông tin, học sinh ở các trường quốc tế và một số trường tư thục dạy tiếng Anh nhưng không phải học trùng lắp 2 chương trình nên có không có vấn đề gì khó khăn. Các trường tư thục ở Việt Nam không phải trường nào cũng dạy bằng tiếng Anh được. Các trường dạy thì họ phải đảm bảo đầu ra, chính vì vậy họ phải lo lắng, đảm bảo cho việc dạy và học tốt.

Sự khác biệt lớn nhất trong việc dạy tiếng Anh giữa trường tư thục, quốc tế và trường công lập là họ bỏ tiền ra họ phải làm cho tốt vì không tốt, học sinh không vào họ sẽ thất bại.

Ông dẫn giải, Nghị định 86/2018/ND-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó có ghi rõ, liên kết giáo dục là việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam với cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện giáo dục ngoại ngữ.

Thế nhưng trong thực tế, theo GS Nguyễn Lân Dũng, thí điểm đào tạo song bằng của Hà Nội là trái với quy định của Điều 6, Nghị định 86/ND-CP.

Trong đó, Điều 6 quy định về đối tượng liên kết giáo dục ghi rõ: “Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục”.

 “Học sinh không phải là chuột bạch cho các thí điểm lách luật. Học song bằng đóng tiền thật nhưng chất lượng cam kết dựa vào… niềm tin. Không phải Nhà nước đầu tư vào một đống tiền để cho một nhóm hưởng lợi. Không thể để nguồn lực vật chất đầu tư vào một nhóm như thế” - ông nói.

thi_xong_mon_anh_van1.jpg
Học sinh THPT tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Nguồn Zing.vn
 

Nhắc lại mô hình VNEN thí điểm đại trà nhưng chưa có tổng kết đánh giá về kết quả, thậm chí nhiều tỉnh phải bãi bỏ vì bất cập, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị cần xem xét kỹ mô hình song bằng, tránh lặp lại “vết xe đổ” của VNEN.

Theo ông, đây là một thí điểm đầy rủi ro. Với các trường dạy cả chương trình Việt Nam và chương trình Cambridge các con có thể đáp ứng nổi không khi mà nhiều em chỉ được 9 điểm/4 môn. Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge năm 2014 đã dừng tại 33 trường ở Việt Nam nhưng không ai chịu trách nhiệm.

“Tôi kiến nghị với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc học về việc Luật Giáo dục sắp tới phải làm rõ các trường công có được làm song bằng. Bố mẹ học sinh hoài vọng chương trình đẳng cấp quốc tế nhưng giá cả việt Nam. Nhưng nếu học bao lâu không được gì, phụ huynh học sinh tự chịu trách nhiệm, không biết trách nhiệm chính mới thuộc về ai” – ông lo ngại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn