Có thể hiểu rằng việc rất đông học sinh dồn cô giáo của mình vào góc tường "khủng bố tinh thần" và xô đẩy, ném dép là đỉnh điểm của cả một quá trình với nhiều hành vi lệch chuẩn kéo dài trong một thời gian và đã không được làm rõ, xử lý dứt điểm.
Tất nhiên hành vi của đám đông học sinh là không thể chấp nhận, đáng bị lên án xử lý. Nhưng sẽ là quá đơn giản nếu chỉ nhìn thấy những sai lầm của học sinh.
Giáo viên và học sinh là những cá thể trong một cộng đồng. Một giáo viên để hoàn thành nhiệm vụ của mình ở mức độ nào đó cần được sự "chấp nhận" của tập thể học sinh. Với vai trò chủ động, với tư cách là một người trưởng thành và được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, mỗi giáo viên cần xác định một cách rõ ràng cách tiếp cận, thiết lập mối quan hệ và dù luật pháp không quy định nhưng chắc chắn ở mức độ nào đó cần chiếm được cảm tình của học sinh, những đứa trẻ còn đang trong quá trình hình thành nhân cách.
Để làm được việc đó, mỗi người sẽ có những phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, về bản chất, không thể thiếu việc về nội dung cần làm phong phú, hấp dẫn những kiến thức mình truyền đạt đến các em; về hình thức, cần có sự giao tiếp khéo léo cũng như thực sự quan tâm đến học sinh của chính mình thậm chí là yêu thương chúng thật lòng.
Và tất nhiên điều đó cũng cần sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và xa hơn nữa là ngành giáo dục cũng như cả xã hội.
Tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại khó có thể nói đã hình thành được cho mình một triết lý giáo dục rõ ràng, đậm nét.
Trong suốt một thời gian dài, ảnh hưởng từ Nho giáo, tư tưởng người thầy một nghề đặc biệt với hàng loạt triết lý: tôn sư trọng đạo, tiên học lễ hậu học văn thậm chí cực đoan hơn là “Thứ nhất hay chữ thứ nhì dữ đòn”, “Một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy”.
Nhưng rất khó để khẳng định triết lý ấy, trong xã hội hiện đại vẫn tìm được chỗ đứng cho mình. Mỗi năm người Việt Nam vẫn chi ra một khoản tiền không hề nhỏ cho con em của mình xuất ngoại tìm đến những nền giáo dục được cho là phát triển hơn.
Trong khi đó ở thượng tầng những người làm giáo dục, vẫn chưa hết làm xã hội băn khoăn từ những câu chuyện lương của giáo viên nên là bao nhiêu để họ yên tâm sống bằng nghề, biên soạn sách giáo khoa thế nào, cần bao nhiêu bộ sách và cả đến những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cũng có thể gây nên những cơn bão mạng…
Trong lúc đó, mỗi ngày giáo viên vẫn phải lên bục giảng, học sinh vẫn ôm cặp đến trường
Có lẽ không cần phải nói nhiều cũng có thể thấy rất rõ về chuyện đúng sai của các hành vi đã thực hiện, trong câu chuyện này, giáo viên và cả các học sinh lẽ ra đã phải nhận được một sự hỗ trợ giúp đỡ kịp thời đầy đủ hơn.
Theo ông Bùi Xuân Lượng, Chủ tịch UBND xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, cô giáo dạy âm nhạc từng nhiều lần có phát ngôn "chợ búa", không chuẩn mực khi giao tiếp với học sinh. Cô cũng mới bị trường cảnh cáo vì hành vi này.
Nhưng sự "vào cuộc" của những người có trách nhiệm như thế chắc chắn là không đủ. Ban giám hiệu và hơn nữa là cán bộ quản lý giáo dục của huyện của tỉnh cần vào cuộc. Họ cần có những động thái ổn định tâm lý tinh thần cho chính giáo viên và cả học sinh, hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng này.
Trong clip cô giáo chỉ đứng chịu trận mà không hề viện đến một sự hỗ trợ nào. Phải chăng chính cô cũng cô đơn, cũng không hy vọng vào những người mà lẽ ra cô có thể gọi điện nhờ hỗ trợ giúp đỡ.
Ban phụ huynh, thường được nhắc đến rất nhiều mỗi dịp đầu năm, thời điểm của các khoản đóng góp, nhưng trong câu chuyện này không thể hiện bất cứ một vai trò nào.
Cho đến thời điểm này đã có những quyết định từ cơ quan chức năng đối với những người liên quan, nhưng vẫn chưa thấy một cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm. Mà trách nhiệm có lẽ có rất nhiều người không thể nói vô can.
Ngay chính dư luận, sau khi chứng kiến sự việc cũng đã có rất nhiều người "lên án" "phẫn nộ". Liệu có phải đó là hết trách nhiệm bởi nói cho đến cùng những đứa trẻ vẫn là sản phẩm của nền giáo dục mà gần nhất chính là những người lớn xung quanh: cha mẹ, ban phụ huynh, ban giám hiệu, những nhà quản lý giáo dục và xa hơn nữa là cả xã hội mà chúng đang sống.
Những đứa trẻ trong clip đã phản ứng như là một tâm lý đám đông bị kích động, những điều đúng ra không nên có ở những đứa trẻ lứa tuổi ấy. Câu chuyện là một bằng chứng cho thấy, chính những đứa trẻ đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực, phát triển theo hướng tiêu cực, và rất đáng buồn khi chính những người làm công tác giáo dục lại là nạn nhân đầu tiên của "những sản phẩm lỗi" này.
Mọi "khủng hoảng" cùng với thời gian sẽ qua đi, nhưng điều chúng ta cần đằng sau đó là những thay đổi để không tái diễn những câu chuyện buồn mà ở mức độ nào đó chỉ là phần ngọn…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn