Liên quan đến nội dung sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, ông Hoàng Quang Hàm, ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Đội ngũ giáo viên, trong đó phần lớn là phụ nữ đang bị tác động rất lớn từ chính sách tinh giản biên chế. Theo đại biểu Hàm, “nếu áp dụng tư duy giảm biên chế 10% đối với khối sự nghiệp, trong đó có giáo dục là bất cập và không khả thi. Vì vậy cần xem xét, tính toán lại”.
Tại hội trường, nhiều đại biểu cũng nêu ra thực tế ở nhiều tỉnh thiếu giáo viên nhưng vẫn phải cắt hợp đồng, nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì một số năm gần đây không được giao thêm biên chế, nên giáo viên không được hợp đồng, không được làm công việc chuyên môn. Đây là sự vận dụng máy móc, cứng nhắc trong thực hiện tinh giản biên chế.
Các đại biểu cũng nêu dẫn chứng: Ở 43 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã xảy ra thiếu, thừa cục bộ giáo viên khoảng 76.000 người. Riêng giáo viên mầm non thiếu 44.000 người. Hiện chỉ có 2 tỉnh, thành phố trên cả nước có đủ giáo viên. Không vì thế mà gộp các điểm trường ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa để các cháu phải đi học quá xa nhà. Không thể để tình trạng nhồi nhét 50-60 học sinh một lớp ở các thành phố, thị xã.
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ, nêu quan điểm: Tinh giản biên chế viên chức, sự nghiệp, nhất là viên chức giáo dục thời điểm này “cần có lộ trình và sự cân nhắc kỹ”.
Giáo dục, y tế cần phải tạo ra đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất. Đại biểu này đề nghị Chính phủ nghiên cứu tạo ra lộ trình hợp lý để các địa phương có quyền chủ động sắp xếp đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đang có thu nhập rất thấp, quá tải trong công việc.