Giáo viên buồn vì bị coi như 'tội phạm'

12:09 | 21/06/2016;
Nhiều giáo viên cảm thấy buồn, thậm chí bức xúc khi việc dạy thêm dựa trên trí tuệ và sức lao động đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh bị cấm.
Nhiều giáo viên bày tỏ bức xúc khi những việc làm dựa trên chính sức lao động và trí tuệ của họ lại bị cấm. Ảnh minh họa internet. 
Trong khi nhu cầu của xã hội là có thật, các giáo viên cho rằng việc cấm dạy thêm là không hợp lý và thiếu công bằng với họ khi các nghề khác đều có thể được quyền làm thêm chính đáng.

Anh A.H, một giáo viên ở tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Ở nước ta hầu hết các ngành nghề đều có thể làm thêm, đều được nhà nước và cả xã hội thừa nhận, với nghề giáo viên chúng tôi dạy thêm cũng trên trí tuệ và công sức của mình sao lại bị cấm?”.  

Chị Nguyễn Thị L., giáo viên tiểu học tại Nghệ An nói: “Các ngành nghề khác có thể làm thêm bằng chuyên môn của mình nhưng giáo viên thì lại không cho phép dạy thêm. Mình thấy vô lý bởi trong khi phụ huynh và học sinh đều có nhu cầu. Tôi cũng tham gia dạy thêm và mỗi khi lệnh cấm ban ra, cảm giác tủi hổ lại tràn về. Chúng tôi cảm thấy như mình đang phạm pháp và luôn phải mang tâm thế mặc cảm của kẻ có tội”.
 
Chị Bình Minh, giáo viên ở TPHCM bức xúc đặt câu hỏi: “Giáo viên được học hành đào tạo đúng theo chương trình sư phạm, kiếm tiền bằng chính sức lực của mình từ những kiến thức đã học được, như vậy là phạm pháp? Phải chăng giáo viên bây giờ là “tội phạm”?

Một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ: “Không phải giáo viên nào cũng cần tiền nên bắt học sinh đi học để dạy thêm. Nhiều khi chỉ vì tình cảm, vì muốn học sinh học tốt hơn nên mới nhận dạy. Bản thân mình cũng vậy, không hề muốn dạy thêm bởi cũng không quá cần tiền, nhưng bạn bè, anh em, hàng xóm, học trò... cần học thì mình dạy thôi. Mình cũng đã từ chối nhưng có người đến nhờ nhiều lần quá nể phải nhận. Thậm chí có khi còn dạy không thù lao. Dạy thêm không xấu nhưng do một bộ phận giáo viên vụ lợi đã làm xấu tính chất của nó. Do đó, cần kêu gọi học sinh mạnh dạn tố cáo những giáo viên ép học sinh học thêm thay vì cấm dạy thêm. Phải lén lút với nghề mà xã hội gọi là nghề cao quý tôi nghĩ thật nực cười”.
 
Nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ về dạy thêm, học thêm trong đó quy định rõ về cơ sở vật chất, điều kiện học tập, mức thu,… Từ đó, giáo viên có thể dạy thêm một cách đàng hoàng nếu đáp ứng đủ các yêu cầu đề ra và khi có phụ huynh, học sinh tự nguyện đăng ký học.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn