Giáo viên đánh trẻ cần bị loại khỏi ngành vĩnh viễn

17:21 | 08/02/2017;
Nhiều ý kiến cho rằng hình phạt cho hành vi bạo hành học sinh bằng cách đuổi việc giáo viên là không đủ sức răn đe. Hành vi dã man này cần phải truy cứu trách nhiệm theo pháp luật và loại khỏi ngành vĩnh viễn.

Liên tục xảy ra các vụ bạo hành trẻ em khiến nhiều bậc cha mẹ bức xúc khi cho rằng, đuổi việc thôi chưa đủ. Chị Phạm Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội)- một phụ huynh có con độ tuổi mầm non, nêu quan điểm: “Với những giáo viên vô nhân tính này, cần đuổi ra khỏi ngành vĩnh viễn, đền bù cho các cháu. Thậm chí có thể đưa ra truy cứu hình sự với những trường hợp giáo viên bạo hành nặng. Nếu chỉ đuổi việc, họ có thể tìm nơi khác để dạy, nhiều học sinh khác sẽ phải đối mặt với hiểm họa bị bạo hành”.

Anh Bùi Tá Vinh (Quảng Ngãi) chia sẻ: Cá nhân tôi đề nghị cơ quan chức năng cần phải truy tố nữ giáo viên này về tội danh xâm phạm quyền trẻ em. Thóp đứa trẻ mầm non vẫn rất mềm, là giáo viên lẽ ra cô phải nhận thức được điều này, vậy mà cô lại cầm dép phang trò, quá gây nguy hiểm. Chính phủ nước ta đã ký cam kết công ước quốc tế về quyền trẻ em. Do đó, cần nghiêm túc trừng trị hành vi bạo hành học sinh. Việc này vừa răn đe, vừa làm gương cho nhiều người khác.

 Học sinh nhóm lớp Sen Vàng bị cô giáo đánh vào đầu, véo tai đau đớn khóc thét. Ảnh chụp từ clip.


Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam, Luật sư Võ Công Hạnh (Công ty luật Công Khánh, Thừa Thiên Huế) khẳng định, trẻ em là đối tượng được bảo vệ, đặc biệt là các trẻ nhỏ. Nhiều nước đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về bảo vệ trẻ em trong đó có Việt Nam. Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em của Việt Nam cũng đã luật hóa tinh thần Công ước nói trên trên tinh thần bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ.

Đặc biệt, các quy định của Bộ luật hình sự cũng đã ghi nhận về tội hành hạ người khác theo Điều 110 rằng hành vi hành hạ trẻ em được xem là tình tiết định khung của khoản 2 với mức hình phạt có thể lên đến 3 năm tù.

“Về vụ việc xảy ra tại cơ sở mầm non Sen Vàng, các cô giáo dùng dép đánh lên đầu trẻ, dùng vật cứng, chân để đánh các cháu là điều không thể chấp nhận theo tiêu chuẩn đạo đức nói chung và tiêu chí của nhà giáo mầm non hiện hành. Do đó, hình thức kỷ luật đình chỉ việc dạy trẻ, buộc thôi việc là cần thiết liên quan đến công tác chuyên môn, dạy trẻ”- ông Võ Công Hạnh nói.

Luật sư Hạnh cho rằng, công việc nuôi dạy trẻ không phải ai cũng có thể làm được nếu thiếu tình thương yêu trẻ, yêu nghề. Mọi biện hộ cho hành vi bạo hành đối với trẻ em đều khó có thể chấp nhận.

Hành vi trên của các cô rất nguy hiểm cho trẻ, dễ dẫn đến chấn thương thậm chí tử vong đối với trẻ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải có hình thức xử lý phù hợp như xử phạt hành chính, cao hơn là xử lý hình sự dựa trên kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Luật sư Võ Công Hạnh cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của chủ nhóm lớp Sen Vàng trong việc quản lý giáo viên trực thuộc. Theo đó, chủ cơ sở mầm non này có thể phải chịu trách nhiệm dân sự liên quan đến nhân sự của mình nếu xảy ra việc yêu cầu bồi thường từ phía phụ huynh học sinh.

Vụ việc trên cũng đặt ra trách nhiệm của Phòng GD&ĐT trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, trách nhiệm trong việc giám sát Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đối với các giáo viên trên địa bàn mình quản lý.

 Vụ thầy giáo ở Huế đánh bầm dập học trò từng khiến dư luận phẫn nộ

"Việc xử phạt chưa đủ sức răn đe đã dẫn đến việc giáo viên bạo hành học sinh xảy ra ngày càng nhiều trên cả nước. Đã đến lúc cần có những hình thức xử lý thật nghiêm, để giáo viên ý thức được hành vi đánh trò của mình sẽ bị xử phạt thích đáng", đây là quan điểm của nhiều phụ huynh có con đang tuổi đến trường. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn