Cảm hóa là cách hữu hiệu nhất
Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm khối THPT, cô giáo Huệ Dương (cựu GV trường THPT Quốc học Huế) cho rằng, không phải lúc nào học sinh cũng ngoan ngoãn theo ý mình. Việc chế ngự để không quá nổi giận trước những trò quậy tai quái của học trò cá biệt là thử thách không nhỏ với cô.
“Trước khi về dạy trường Quốc học là một trường hầu hết các em đều chăm ngoan, tôi từng dạy nhiều trường có học trò cá biệt. Những trải nghiệm ấy tạo cho tôi bản lĩnh: Phải thật kiên trì, phải thật công tâm để tìm ra được vì sao học trò lại vi phạm kỷ luật. Tìm được gốc rễ vấn đề mới giải quyết được dứt điểm, còn nếu học trò cứ vi phạm rồi bị phạt, lặp lại như thế thì các em không dứt ra khỏi được những hành vi thiếu đạo đức của mình”- cô Huệ chia sẻ.
Nữ giáo viên cho rằng, thực tế cho thấy, càng ngày học sinh càng được nuông chiều. Bố mẹ hoặc thương con một cách mù quáng, hoặc có kinh tế, nhưng không quan tâm đến con, mải chạy theo công việc nên con họ thường sinh hư. Với những học sinh này, cô luôn muốn gần gũi để lắng nghe các em chia sẻ vì nếu càng phạt, mọi thứ sẽ càng phản tác dụng.
“Rất nhiều học sinh đã được cảm hóa bằng chính sự chia sẻ của thầy cô giáo, của bạn bè. Phạt các em không khó, nhưng làm thế nào để tự các em điều chỉnh được ý thức và hành vi, thì cảm hóa là cách làm hữu hiệu nhất. Dĩ nhiên, giáo viên phải thật sự thương học trò và điều chỉnh các em bằng sự tự nguyện thay vì chỉ làm cho xong trách nhiệm hoặc sợ bị ảnh hưởng đến cá nhân”- nữ giáo viên thẳng thắn.
Đi tìm gốc rễ của vấn đề cũng là cách mà cô giáo Nguyễn Thị Hải (dạy THCS ở Vinh, Nghệ An) áp dụng với những học trò đang tuổi dậy thì “bùng nổ” của mình. Tùy tính cách của từng học sinh, cô đưa ra những kiểu phạt nhất định.
“Những em thích nhẹ nhàng và nói nhỏ nhẹ thì mới chịu nghe, tôi áp dụng cách nhắc nhở, hoặc phạt nhẹ như chép bài, lao động vệ sinh lớp… Còn những em nhắc nhiều lần vẫn tái phạm, tôi dứt khoát hơn bằng cách ghi sổ đầu bài hoặc mời phụ huynh lên đối thoại” - cô Hải nói.
Việc đuổi học các em, theo cô Hải là điều bất đắc dĩ mới nghĩ tới và phải với những hành vi vi phạm nặng nề, tái phạm nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn đến tập thể… “Là giáo viên, chẳng ai muốn đuổi học học trò vì như thế nghĩa là mình bất lực với chính các em. Nếu đi tìm được tận cùng nguyên nhân mà thấy không thể tác động được để các em thay đổi, lúc đó mới đến phương án này. Đối thoại, khuyên bảo vẫn là cách tôi ưu tiên đối với học sinh cá biệt”- cô Hải cho hay.
Giáo dục tích cực- tưởng dễ mà rất khó
TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) khi nói về vấn đề này đã cho rằng, rất nhiều người làm quản lý giáo dục đều muốn hướng đến hình thức gọi là kỷ luật phòng ngừa, không trừng phạt, hay còn gọi là kỷ luật tích cực.
Đó là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học. Hình thức này dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của học sinh và thầy cô, thể hiện sự tôn trọng trẻ một cách có văn hóa, mang tính giáo dục cao và trẻ dễ tiếp thu sự phê bình hơn.
“Một nghiên cứu về giải quyết bất bình đẳng trong hình thức kỷ luật thông qua việc khôi phục công bằng về kỷ luật cho thấy: Hình thức kỷ luật không trừng phạt có hiệu quả cao về an toàn lớp học, thành tích và tỷ lệ học sinh đến lớp cao hơn, cải thiện được bầu không khí học tập hơn là lớp học với việc sử dụng thường xuyên biện pháp đe dọa hoặc đuổi học” - TS Vinh cho hay.
Nghiên cứu này cũng cho thấy, học sinh bị trừng phạt quá nghiêm khắc có xu hướng dễ nổi loạn, mang trong lòng thù hận, thiếu trung thực và dễ mất đi mối liên hệ giữa trẻ và cha mẹ.
“Mấu chốt của vấn đề là nhà trường cần hết sức linh hoạt trong việc chấn chỉnh ý thức, hành vi của học sinh. Trong đó, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình là điều vô cùng cần thiết”- ông nhấn mạnh.
Theo ông, để tránh sự cố đáng tiếc, các vị phụ huynh muốn gửi gắm con cần tìm hiểu kỹ những nội quy của nhà trường, phối hợp với nhà trường xây dựng nội quy và giáo dục con tuân thủ nội quy. Đó cũng là một cách giáo dục trẻ về tính kỷ luật.
“Trẻ ở lứa tuổi đang lớn rất nhiều thứ, cần được chỉ bảo khuyên giải từ phía gia đình và thầy cô, đòi hỏi thầy cô công sức và thời gian (với một lớp học quá đông thì đây là công việc rất thách thức); cần sự thấu cảm với hoàn cảnh, cần sự tôn trọng nhân phẩm từ chính thầy cô giáo. Thầy cô giáo vì thế cần lưu ý tránh hù dọa trẻ bằng các biện pháp "xử lý", hay quá thường xuyên thông báo cho phụ huynh vì thâm tâm trẻ không bao giờ muốn cha mẹ biết những lỗi của mình”- TS Hoàng Ngọc Vinh đưa ra lời khuyên.
* Liên quan đến vụ việc xảy ra ngày 6/12, tại trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Vĩnh Thông, TP Rạch Giá, Kiên Giang), 2 nữ sinh lớp 9 đánh dã man 3 học sinh lớp 7, đã phải nhận mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học đến hết năm học 2017-2018. Mức xử lý này đã gây ra rất nhiều tranh cãi. |