Giáo viên lo tương lai sẽ phải dạy những bộ sách mới chắp vá

17:01 | 13/09/2019;
Từng dạy sách SGK của GS Hồ Ngọc Đại, cô Nguyễn Thị Hải (Giáo viên tiểu học tại Tp.Vinh, Nghệ An) cho biết cô khá bất ngờ khi bộ sách của ông bị loại khỏi vòng thẩm định đầu tiên. Nữ giáo viên cho rằng, trong tương lai nếu thay thế bằng những bộ sách mới chắp vá, lắp ghép thì thà giữ nguyên bộ sách của GS Đại còn hơn.

Sách của GS Hồ Ngọc Đại có thể chỉnh sửa để tái thẩm định- đó là khẳng định từ phía Bộ GD&ĐT, liên quan đến bộ sách tồn tại 40 năm và đang được 930.000 học sinh theo học - bộ SGK lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, các bản thảo sau thẩm định lần đầu, nếu có chỉnh sửa sẽ được xem xét thẩm định lại. Tuy nhiên, bản thân tác giả bộ sách, cho biết ông từ chối việc chỉnh sửa này vì đó là công trình của cả đời mình.

Trước thông tin đang được dư luận quan tâm về việc loại bỏ bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại ngay trong lần thẩm định đầu tiên, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết đang chờ kết quả từ phía Hội đồng Thẩm định.

Theo ông Tài, quy trình thẩm định được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng GD&ĐT, theo đó thành lập Hội đồng thẩm định theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT. Số lượng các thành viên lẻ, trong đó hội đồng ít gồm 7 người, nhiều là 15 người. Hội đồng gồm giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giảng viên trường đại học và giáo viên. Thành viên chuyên gia đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam, gồm cả thành thị và vùng sâu, xa để đánh giá SGK có tính chất đa dạng vùng miền.

857e357cfb3912674b28.jpg
GS Hồ Ngọc Đại tâm huyết với bộ sách cả đời mình nghiên cứu 

 

Theo quy trình, sau khi tiếp nhận bản thảo SGK do tác giả và nhà xuất bản gửi, thành viên hội đồng thẩm định sẽ đọc trong 15 ngày.

“Hội đồng thẩm định đánh giá công tâm với những ý tưởng mới, đa dạng, đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi” - ông Tài thông tin.

Cũng theo ông Tài, đối với những bản thảo SGK được Hội đồng thẩm định đánh giá Không đạt thì theo Thông tư 33, tác giả và các nhà xuất bản có quyền chỉnh sửa lại bản thảo để đề nghị Hội đồng thẩm định lại.

“Những bản thảo không đạt yêu cầu trong lần đầu thẩm định chưa hoàn toàn mất hết cơ hội. Hội đồng làm việc một cách rất khoa học, trách nhiệm để giúp tác giả chỉnh sửa lại bản thảo và đề nghị được thẩm định lại” - theo ông Thái Văn Tài. Hiện Bộ GD&ĐT đang chờ kết luận của Hội đồng thẩm định vòng 1, trên tinh thần làm việc công tâm, trách nhiệm.

Từng dạy sách SGK của GS Hồ Ngọc Đại, cô Nguyễn Thị Hải (Giáo viên tiểu học tại Tp.Vinh, Nghệ An) cho biết cô khá bất ngờ khi bộ sách của ông bị loại khỏi vòng thẩm định đầu tiên. Nữ giáo viên cho biết, dù giáo viên có vất vả hơn khi tiếp cận với cách thức dạy học này, song thực tế cách dạy này giúp học sinh nhanh vững về từ vựng và chính tả, nhận được mặt chữ, đọc thành tiếng, tư duy nhanh hơn, thao tác ghép từ nhanh hơn.

“Chúng tôi không rõ sắp tới, những bộ sách mới sẽ ra sao, chưa có cơ sở để nói rằng ủng hộ sách mới hay bộ sách cũ của GS Đại, chờ xem bộ sách mới như thế nào từ đó mới có sự so sánh. Khó có thể nói trước được điều ghì mà còn phải chờ đợi ưu việt cho tương lai trong bộ sách mới. Còn nếu thay thế bằng những bộ sách mới chắp vá, lắp ghép thì thà giữ nguyên bộ sách của GS Đại còn hơn” - cô Hải cho hay.

Việc thẩm định cần thực hiện minh bạch, công tâm cũng là điều được dư luận kỳ vọng. Về điều này, GS Phạm Tất Dong cho rằng, mối quan hệ giữa người biên soạn SGK, đơn vị xuất bản SGK, hội đồng thẩm định hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Theo ông, nhà xuất bản chỉ nên làm đúng vai trò là đơn vị xuất bản SGK thay vì kiêm nhiệm phần biên soạn. Thành viên Hội đồng thẩm định SGK quốc gia cần phải là những chuyên gia độc lập, nằm hoàn toàn ngoài Bộ GD&ĐT. Đó phải là những người không chỉ nghiên cứu về phương pháp mà còn phải làm nhà sư phạm học, hiểu được tâm lý lứa tuổi để đưa ra những đánh giá xác đáng, sát sườn nhất về kiến thức, kỹ năng của học sinh.

Hiện tại, dù Hội đồng Thẩm định đã có đề nghị sửa, song GS Hồ Ngọc Đại từ chối việc chỉnh sửa bất cứ nội dung nào. “Tôi không sửa bộ sách, không điều chỉnh gì cả, vì đó là công trình của cả đời. Việc điều chỉnh phải có kỹ thuật” - GS Đại nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn